Về quy định thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, khoản 3, Điều 29 quy định các hoạt động chi từ Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia. Tuy nhiên, nội dung chi của quỹ phần lớn đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước và các quỹ khác như Quỹ Đổi mới Khoa học Công nghệ Quốc gia. “Để tránh trùng lặp và bảo đảm hiệu quả về quản lý tài chính, đề nghị cần rà soát các hoạt động ưu tiên chi từ Quỹ này”.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, dữ liệu quốc gia là phạm vi trách nhiệm của Nhà nước phải chi từ ngân sách. Nhiệm vụ chi của quỹ cũng trùng lặp với một số quỹ khác như báo cáo thẩm tra.
Ngoài ra, nếu thành lập sẽ phát sinh bộ máy và biên chế, tăng áp lực tài chính bổ sung cho quỹ của người dân, mà nhất là doanh nghiệp. Từ đó, đại biểu Hòa đề nghị cân nhắc "vì hầu hết các nội dung chi của quỹ đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước".
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Tương tự, Đại biểu Trình Lam Sinh- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị cần đánh giá kỹ về cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính hiệu quả để xem việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia đã phù hợp với Luật Ngân sách chưa và có trùng với một số quỹ khác hay không?”.
Theo đại biểu Sinh, dữ liệu là một dạng “tài sản” mới rất quan trọng, có thể xem như “tài sản” quốc gia. Vậy khi có các nguồn tài chính hỗ trợ, tài trợ từ trong nước và nước ngoài, chúng ta có chịu tác động gì hay không?
Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.
“Cần đánh giá các tác động này để đảm bảo chúng ta không bị chi phối hay lộ lọt thông tin khi tìm kiếm thông tin của các nhà tài trợ”- Đại biểu Sinh nêu ý kiến.
Duy Tuấn