Cân nhắc ngành học mới

Cân nhắc ngành học mới
một ngày trướcBài gốc
Xu hướng ngành học mới gắn với chuyển đổi số
Theo đề án tuyển sinh 2025 của các trường ĐH công bố, năm nay xuất hiện nhiều ngành học mới đối với xã hội hoặc là năm đầu tiên trường tuyển sinh ngành học đó. Cụ thể, một số ngành đang được quan tâm như: công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, truyền thông, marketing, logistics, y dược, và các ngành liên quan đến năng lượng tái tạo và kinh tế xanh.
Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin năm học này tuyển hơn 4.000 chỉ tiêu và mở thêm 4 ngành, chương trình mới gồm: Khoa học dữ liệu (chương trình khoa học và kỹ thuật dữ liệu); công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông định hướng thiết kế vi mạch; công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và vi điện tử); công nghệ sinh học (chương trình công nghệ kỹ thuật sinh học). Ngoài ra, trường cũng tăng chỉ tiêu ở một số ngành thế mạnh như công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Hà Nguyên
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mở thêm 5 ngành mới đào tạo ĐH chính quy từ năm là công nghệ sinh học, vật lý học (vật lý bán dẫn và kỹ thuật), lịch sử, xã hội học, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Không chỉ khối các trường công lập bắt kịp xu hướng, để thu hút thí sinh và cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động, các trường ĐH ngoài công lập cũng nghiên cứu và mở mới nhiều ngành “hot” xã hội đang có nhu cầu cao liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính và các ngành thuộc lĩnh vực chuyển đổi số, các ngành nghề mang tính quốc tế hóa. Trường ĐH Văn Lang mở thêm 3 ngành mới: quản lý tài nguyên môi trường, truyền thông đại chúng, thiết kế công nghiệp, nâng tổng số ngành đào tạo lên 62; đồng thời bổ sung 3 chuyên ngành: kinh tế xây dựng, công nghệ vận hành hạ tầng bền vững và công nghệ ô tô điện.
Thực tế trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực hiện nay, các trường đã bắt kịp xu hướng với việc mở thêm các ngành liên quan đến công nghệ, kinh tế số, và các lĩnh vực đang có nhu cầu nhân lực cao. Riêng trong lĩnh vực chip bán dẫn, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, các trường ĐH đào tạo “nhân lực nghĩ”, còn cao đẳng đào tạo “nhân lực làm” - tức là những người trực tiếp vận hành, sản xuất. Cơ hội việc làm cho các thí sinh đối với ngành học này trong tương lai là rất lớn còn việc chọn trường nào để theo học phụ thuộc vào điều kiện, sở thích của từng thí sinh. Chương trình cao đẳng kéo dài 3 năm, thực hành chiếm hơn 70%, có thể học tiếp lên cao hoặc vừa học vừa làm.
Với các ngành như cơ khí, ô tô, điện - điện lạnh, các chuyên gia lưu ý nhà nước hỗ trợ tới 70% học phí nếu theo học hệ cao đẳng nên sẽ giảm gánh nặng chi phí khá nhiều trong bối cảnh học phí ĐH tăng cao khi các trường thực hiện tự chủ. TS Đồng Văn Ngọc cũng chỉ ra nếu xét tuyển vào Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, doanh nghiệp hỗ trợ thêm 30%, sinh viên gần như được miễn học phí hoàn toàn.
Chọn ngành trước, chọn trường sau
Đối với những thí sinh còn đang băn khoăn đứng trước việc lựa chọn ngành học nào khi chưa xác định rõ sở thích, mong muốn của bản thân, các chuyên gia đưa ra một số gợi ý. Đó là xu hướng ngành học hiện nay có tính liên ngành, giao thoa khá nhiều, nếu thí sinh chưa xác định rõ ràng ngành theo học có thể chọn lĩnh vực rộng, mang tính tổng quát, sau đó chọn chuyên ngành, chuyển ngành hoặc học song bằng. Khi ra trường, các em có thể làm nhiều công việc ở các lĩnh vực liên quan.
Những năm qua, có tình trạng thí sinh chọn ngành vì điểm chuẩn phù hợp mà không tìm hiểu kỹ về cơ hội việc làm, sự phù hợp với nghề nghiệp của bản thân nếu chọn ngành học này. Điều này có thể dẫn đến sự chán nản, khó bắt nhịp khi vào học sau này. Vì vậy, hãy nghiên cứu kỹ, chọn ngành học có liên quan đến nghề nghiệp sau này mình muốn làm. Trong trường hợp yêu thích ngành học đó nhưng điểm thi không có cơ hội trúng tuyển trường top đầu, thí sinh có thể chọn ngành đó ở trường nhóm giữa, nhóm sau và nỗ lực học tập, thực hành để phát huy hết năng lực, sở trường của mình.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhắn nhủ: “Không có ngành nghề nào dễ dàng nếu thiếu nỗ lực bằng cả trái tim và khối óc. Không có nghề nào thành công mà không có mồ hôi, nước mắt và không có cánh cửa nào mở ra nếu chúng ta không sẵn sàng đón nhận những cái mới. Điều quan trọng nhất với mỗi bạn trẻ là hiểu rõ chính mình, dám ước mơ và đủ bản lĩnh để theo đuổi ước mơ đó đến cùng. Dù lựa chọn ngành học hay ngôi trường nào, các bạn cũng cần có trách nhiệm với quyết định của mình, vì đó là bước đi đầu tiên trên con đường trưởng thành”.
Hàn Minh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/can-nhac-nganh-hoc-moi-10311205.html