Thí sinh Hà Nội tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh minh họa: INT
Đọc và nghiên cứu đề Toán minh họa cho thấy chủ yếu sử dụng kiến thức lớp 11 và 12. Bộ thiết kế đề thi với độ khó tăng dần, câu hỏi nâng cao để phân loại chủ yếu ở phần II và ở phần III. Những câu này là sự sâu chuỗi kiến thức đòi hỏi học sinh biết lập luận, suy đoán và tính toán nhanh mới làm được.
Học sinh không lo điểm liệt
Phần I gồm 12 câu hỏi, mỗi câu có 4 lựa chọn, học sinh chọn một đáp án cho mỗi câu và được 0,25 điểm. Theo tôi, phần này quen thuộc và học sinh được rèn luyện trong một thời gian dài nên rất nhuần nhuyễn.
Cụ thể, lớp 12 có 8 câu và lớp 11 có 4 câu. Chương ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị có 2 câu (câu 5 và câu 12). Chương nguyên hàm, tích phân và ứng dụng có 2 câu (câu 1 và câu 2). Chương phương trình mặt phẳng, đường thẳng và mặt cầu có 2 câu (câu 4 và câu 7). Câu 3 về thống kê. Chương vectơ và hệ tọa độ trong không gian có 1 câu (câu 11).
Đối với chương trình lớp 11, phần phương trình - bất phương trình mũ và lôgarit có 2 câu (câu 6 và câu 9), phần quan hệ vuông góc trong không gian có 1 câu (câu 8), phần cấp số cộng có 1 câu (câu 10). Những câu này đơn giản nên học sinh không gặp một trở ngại. Như vậy, phần I học sinh yên tâm không bị điểm liệt và coi như hưởng trọn 3 điểm. Do điểm học bạ của ba năm học chiếm tỷ trọng , học sinh chỉ làm phần I là đủ để công nhận tốt nghiệp nên các trường THPT không có gì mà phải lo lắng.
Phần II gồm 4 câu hỏi, mỗi câu có 4 ý a), b), c) và d). Đây là dạng câu hỏi trắc nghiệm nói về đúng sai. Số điểm được lũy tiến theo từng ý và tối đa 1 điểm cho 1 câu hỏi. Theo tôi, dạng câu hỏi này trong quá trình dạy học và kiểm tra giáo viên cũng chú trọng rèn luyện cho học sinh. Cái hay ở đây là điểm tăng lên theo từng ý của mỗi câu.
Theo đó, câu 1 thuộc Chương ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị. Câu 2 thuộc Chương nguyên hàm, tích phân và ứng dụng là câu hỏi thực tế nhưng học sinh hoàn toàn làm được vì ở trường luyện dạng này rất nhiều. Câu 3 thuộc Chương xác suất, mặc dù câu dễ nhưng học sinh vẫn cứ làm sai do sợ.
Câu 4 thuộc hai Chương vectơ - hệ tọa độ trong không gian và chương phương trình mặt phẳng, đường thẳng và mặt cầu là câu hỏi thực tế nên lời dẫn dài dòng, ít nhiều gây khó khăn cho học sinh. Tổng điểm phần này là 4 nhưng để làm được đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa.
Trắc nghiệm đúng sai hạn chế được việc “đánh bừa” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay. Theo tôi, học sinh khó đạt điểm tối đa phần này.
Phần III gồm có 6 câu hỏi dưới dạng trả lời ngắn, mỗi câu được 0,5 điểm. Đây là dạng câu hỏi mà học sinh giải theo kiểu tự luận rồi ghi kết quả cuối cùng vào phiếu trả lời. Với loại câu hỏi này, giáo viên cho học sinh tương tác liên tục trong quá trình học nên không có gì bất ngờ. Các câu ở phần này là nhằm phân loại trình độ của học sinh.
Cụ thể, đối với câu 1 thuộc về kiến thức lớp 11 là liên quan khoảng cách giữa hai đường thẳng và học sinh vẽ hình ra thì biết được khoảng cách và coi như vượt qua nhẹ nhàng. Câu 2 thuộc chuyên đề học tập môn Toán lớp 11, nếu học sinh được học chuyên đề thì giải nhẹ nhàng, còn không được học thì ta dùng quy tắc đếm vẫn giải được tuy vất vả nhưng vẫn ra kết quả.
Câu 3 thuộc Chương vectơ và hệ tọa độ trong không gian, là câu thực tế và học sinh dựng được hệ trục tọa độ là làm được nên không khó. Câu 4 thuộc chương nguyên hàm, tích phân và ứng dụng là câu hỏi khó và nó thường xuất hiện trong đề thi của nhiều năm qua nên giáo viên biết cách giúp học sinh vượt qua.
Câu 5 thuộc Chương ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị cũng là câu thực tế và khó nhằm phân loại trình độ học sinh nhưng dạng này học sinh được luyện nhiều nên làm được. Câu 6 thuộc Chương xác suất, liên quan công thức xác suất có điều kiện và công thức xác suất toàn phần nên mới mẻ cho giáo viên và cả học sinh, nếu luyện nhiều sẽ quen và giúp học sinh hình thành cách giải.
Như vậy, muốn làm được dạng câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức, kỹ năng và tư duy sáng tạo, đề không có đáp số sẵn mà học sinh phải giải nên không có tính “may rủi” để chọn như phần I. Dạng này rất phù hợp với học sinh trong quá trình học để hướng đến đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại.
Ảnh minh họa ITN.
Tăng chỉ tiêu cho phương thức điểm thi tốt nghiệp
Đề minh họa như vậy là khá hay phù hợp với chương trình mới; học sinh trung bình và yếu làm được từ 3 đến 5 điểm; học sinh khá làm được từ 5 đến 7 điểm, học sinh giỏi làm được từ 7 đến 9 điểm, còn lại dành cho học sinh xuất sắc.
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tổ chức kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh.
Với đề thi có tính phân loại như trên, tôi mong các trường đại học dành khoảng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Với tỷ lệ này, kỳ thi tốt nghiệp mới xứng tầm với tên gọi đồng thời học sinh thi một đạt hai mục đích và thể hiện sự công bằng cho mọi thí sinh. Tuy nhiên, khi lấy điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển thì Bộ GD&ĐT cũng cần quy định ngưỡng điểm đầu vào để đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo.
ThS Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)