Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, chiều 6/5, Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH Quốc hội các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa) đã thảo luận tổ về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tham dự phiên thảo luận.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 14. Ảnh: Đ. Thanh
Có bảo đảm hiệu quả cho nhà đầu tư?
Góp ý vào Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (gọi tắt là Dự thảo Luật), các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết, mục đích ban hành, quan điểm xây dựng Luật được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) bày tỏ nhất trí việc dự thảo Luật bổ sung một số nội dung mới. Cụ thể, lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào và đứng ngang với khoa học, công nghệ. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Điểm đáng chú ý, dự thảo Luật đã xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp (Điều 28).
Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, quy định như vậy sẽ tạo sự chủ động trong việc thương mại hóa, ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Việc giao kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho tổ chức chủ trì về tổng thể sẽ tạo động lực cho các tổ chức nghiên cứu, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đ. Thanh
ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng cho rằng, quy định thưởng cho tác giả kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tối thiểu 30% lợi nhuận thu được từ việc cho thuê, bán, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng kết quả (trừ trường hợp để góp vốn, hợp tác, liên kết kinh doanh) “là khá phù hợp để động viên các tác giả”.
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn, sau khi trừ đi tỷ lệ này, nhà đầu tư chỉ còn được 70% thì “có đáp ứng được hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư không?”.
Nếu tỷ suất lợi nhuận không tương xứng với quy mô/vốn đầu tư mà nhà đầu tư phải bỏ ra, có thể sẽ không khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu để thương mại hóa.
Do vậy, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần nghiên cứu để quy định linh hoạt hơn, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và nhà nghiên cứu.
Cũng liên quan tới cơ chế ưu đãi với người hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tại Điều 52 dự thảo Luật quy định “cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; được ưu tiên trong bổ nhiệm, tuyển dụng, xếp vị trí việc làm, thu nhập, thuế thu nhập cá nhân, lao động, nhà ở, xuất nhập cảnh, cư trú và cấp giấy phép lao động…”.
Đồng tình với chủ trương này, song đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần quy định chặt chẽ và sát hơn.
Theo đó, nên quy định rõ ưu tiên trong bổ nhiệm, tuyển dụng chỉ gắn với hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tương tự, nếu cá nhân đó có nhiều nguồn thu nhập thì chỉ được xét ưu đãi thuế thu nhập từ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xem xét quy định trách nhiệm về kỷ luật viên chức
Một nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị sửa khoản 1 và khoản 2 Điều 21 về nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, bởi các quy định tại hai khoản này vừa không rõ ý vừa trái với quy định pháp luật liên quan.
ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đ. Thanh
Cụ thể, Khoản 1 quy định: “Cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá thử nghiệm được loại trừ các trách nhiệm khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm trừ trường hợp đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro đối với quá trình thử nghiệm nhưng không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra, cụ thể: a) Không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác trong quá trình thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá thử nghiệm; b) Không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; c) Không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ”.
Theo đại biểu, bất cập là hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính thì đương nhiên không phải là hành vi phạm tội, lại càng không thể được coi là tội phạm khi chưa bị tòa án kết tội (nên không thể quy định như điểm b nêu trên).
Còn theo quy định tại điểm c sẽ dẫn đến việc hiểu cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá thử nghiệm không phải chịu trách nhiệm hình sự. "Quy định như vậy là trái với quy định của Bộ luật Hình sự".
Theo đó, Điều 2, Bộ luật Hình sự 2015 “cơ sở trách nhiệm hình sự” quy định: Chỉ người nào phạm tội được Bộ luật Hình sự quy định mới chịu trách nhiệm hình sự; chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội dẫn được quy định tại Điều 76 của Bộ luật Hình sự mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, Bộ luật Hình sự không có quy định trách nhiệm hình sự với các tổ chức và doanh nghiệp mà không phải là pháp nhân thương mại. Bộ luật Hình sự cũng có hẳn 1 chương (Chương XI, từ Điều 74 - 89) quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh sửa điểm b, khoản 1 và điểm b, khoản 2 Điều 21 Dự thảo Luật như sau: b) Không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đ. Thanh
Chia sẻ ý kiến trên, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) bổ sung: Tại Điều 9 dự thảo Luật về “chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, quy định tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định trong quá trình triển khai và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí...
Như vậy, theo dự thảo Luật là miễn trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự. Trong khi đó, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo có cả viên chức, như vậy sẽ phải chịu trách nhiệm về kỷ luật (đã được quy định trong Luật Viên chức). Do đó, tại Điều 9 của Dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét trách nhiệm về kỷ luật đối với viên chức.
Thanh Thủy