Cho vay lĩnh vực cơ sở hạ tầng là cơ hội lớn cho các ngân hàng, nhưng việc tham gia như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.
Thông tin tại buổi làm việc gần đây của NHNN với các bộ, ngành và 4 ngân hàng thương mại nhà nước để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để gói tín dụng này đi vào cuộc sống, Phó Thống đốc cho rằng cần một số điều kiện.
Cụ thể, các bộ, ngành cần có kế hoạch, định hướng về nhu cầu vốn cho các dự án trong từng giai đoạn, nhu cầu vốn từ ngân sách, vốn từ ngân hàng… từ đó, ngành Ngân hàng cũng chủ động trong việc chuẩn bị nguồn vốn để cho vay.
Theo Phó Thống đốc NHNN, vốn ngân hàng có bản chất là vốn ngắn hạn, nhưng để đáp ứng đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang ngày càng giảm dần. Vì vậy, việc cho vay trung và dài hạn cũng chính là một ưu đãi từ phía ngân hàng.
Cũng theo Phó Thống đốc, gói tín dụng sẽ có nhiều ưu đãi dành cho các dự án như về lãi suất ưu đãi, về việc cho vay trung, dài hạn.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện một trong 4 “ông lớn” ngân hàng cho biết, ngân hàng sẽ tham gia nhưng đang xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi phù hợp.
Theo ông Tô Huy Vũ - Chủ tịch HĐTV Agribank, để ngân hàng tham gia triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng thuận lợi thì cần có kế hoạch vốn của nền kinh tế trong từng giai đoạn để các ngân hàng cân đối cho vay.
Đối với việc xác định lãi ưu đãi của gói vay, các ngân hàng cần cân nhắc đến một số yếu tố như lạm phát tăng cao tạo áp lực lãi suất, tỷ giá tăng...
Đại diện Agribank và Vietcombank cũng đã kiến nghị phải rõ ràng về trách nhiệm trong việc cho vay; hoặc xem xét xây dựng cơ chế góp vốn và chia sẻ lợi ích, thay vì áp dụng hình thức cho vay truyền thống.
Về phía ngân hàng thương mại tư nhân, ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank cho rằng, cho vay lĩnh vực cơ sở hạ tầng là cơ hội lớn cho các ngân hàng, nhưng việc tham gia như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.
Theo ông Jens Lottner, các dự án cơ sở hạ tầng thường rất dài hơi, với nhiều bên đối tác khác nhau với các công ty nhà nước và công ty tư nhân, trong khi lợi suất thu được thấp, nên phải cân nhắc về lợi ích, đảm bảo ROA (tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản)… khi tham gia vào các dự án này.
Tổng Giám đốc Techcombank khẳng định, Techcombank sẽ tham gia cung ứng tín dụng nhưng phải chọn lựa thật kỹ dự án cũng như xây dựng mô hình tham gia phù hợp.
Trong chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cũng nêu, các cơ quan quản lý muôn giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, lãi suất cho vay có xu hướng ngày càng hạ, trong khi Chính phủ và NHNN đang đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi như gói tín dụng cho vay mua nhà với người trẻ dưới 35 tuổi, gói tín dụng lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ số… nên các ngân hàng phải vừa đảm bảo hài hòa với chính sách của cơ quan quản lý, vừa đảm bảo cạnh tranh, tăng trưởng tín dụng.
“Chúng ta có thể huy động vốn ngắn hạn để chi phí rẻ, nhưng còn ràng buộc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Bộ chỉ số về an toàn mà các ngân hàng phải tuân thủ rất phức tạp, như một tấm chăn ngắn nên phải làm sao để hài hòa, tối ưu hóa… Mục tiêu của các ngân hàng là phải duy trì biên lợi nhuận hợp lý”, ông Nguyễn Hưng nêu rõ.
Theo đại diện NHNN, cơ quan này đã có văn bản đến 3 đơn vị là Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ để phối hợp trong việc xây dựng gói vay ưu đãi này thật sự hiệu quả. Đồng thời, khẳng định sẽ xây dựng gói tín dụng ưu đãi rõ ràng, xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Hương Dịu