Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khởi nguồn từ năm 2018, đã bước sang giai đoạn leo thang mới vào năm 2025 với các mức thuế trả đũa liên tục tăng lên. Dù với Việt Nam, việc áp thuế đã hoãn 90 ngày để đàm phán, nhưng các DN xuất khẩu sang Mỹ vẫn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Theo báo cáo phân tích tổng hợp tình xuất nhập khẩu và đánh giá tác động về việc Mỹ nâng mức thuế lên 46% đối với các DN hoạt động trong khu kinh tế, khu công nghiệp của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, xuất khẩu gián tiếp sang Mỹ khoảng 6,11 tỉ USD, tổng thiệt hại khoảng 2,81 tỉ USD. Tổng số 64 DN xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp thông qua hình thức chỉ định xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Hay tại Bình Dương, từ ngày 5 đến 8.4.2025 ghi nhận 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy, 273 đơn hàng bị khách hàng Mỹ thông báo hủy hoặc tạm dừng, và ít nhất 175 đơn hàng có nguy cơ bị hủy trong thời gian tới. Những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất gồm gỗ nội thất, dệt may, giày dép, thiết bị điện tử và nhựa.
Doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ chịu ảnh hưởng nặng từ thuế quan
Không chỉ vậy, giới chuyên gia cho rằng mức độ ảnh hưởng của việc áp thuế đối ứng có thể lan rộng hơn nữa như làm giảm thu hút đầu tư FDI, suy giảm tăng trưởng công nghiệp, logistics, xuất khẩu, thu ngân sách; chuỗi cung ứng nội địa gặp rủi ro đứt gãy; lao động mất việc làm, tăng áp lực xã hội về việc làm và an sinh xã hội.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, tác động từ mức thuế 46% đã làm ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh của quốc gia và thành phố Hải Phòng. Điều này gây lo ngại cho các DN trong thực hiện chiến lược kinh doanh.
“Các khách hàng dừng hoặc hoãn ký kết các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Chi phí xuất khẩu tăng, lợi nhuận giảm, mất thị phần tại đây. DN khó tìm ngay được thị trường thay thế, buộc giảm sản lượng và nhân công, hủy kế hoạch đầu tư”, ông Kiên nêu.
Nêu giải pháp hỗ trợ DN trước tình thế này, ông Kiên cho biết Ban Quản lý và thành phố Hải Phòng sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu mới, giảm dần lệ thuộc vào thị trường Mỹ, khai thác tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP,...
“Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi DN đầu tư vào công nghệ mới, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế; cập nhật thường xuyên thông tin về diễn biến mới nhất liên quan đến chính sách phòng vệ thương mại, để DN chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh”, ông Kiên nêu.
Song song với đó, ông Kiên cho hay sẽ tiếp tục đầu tư tăng cường năng lực và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, tiện ích để giảm chi phí logistics cho DN; đẩy nhanh quy hoạch và xây dựng khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng, khu thương mại tự do để mở rộng không gian kinh tế và chính sách phát triển chiến lược cạnh tranh cho thành phố.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng
Ông Kiên cũng mong muốn các DN cần minh bạch hóa chuỗi cung ứng, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và DN nội địa nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa bền vững, chủ động hơn trong nguyên liệu và linh kiện.
Ngoài ra, DN cần chủ động đầu tư vào chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới trong quản lý, sản xuất nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh lâu dài. Tập trung xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt thay vì cạnh tranh dựa trên giá rẻ. Chủ động đa dạng hóa, mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược, kế hoạch thích ứng hiệu quả trước mắt và lâu dài.
TS Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng BIDV cho rằng DN cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất…; đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm - dịch vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh (nhân lực, công nghệ, quản trị), gồm cả quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, tỷ giá, pháp lý; minh bạch xuất xứ hàng hóa, mức độ trung chuyển, gian lận thương mại; đáp ứng yêu cầu xanh hóa, tiêu chuẩn môi trường; tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới
Tại cuộc đối thoại với DN mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực 16 cho biết, chi cục đã tổ chức đối thoại với 400 DN tỉnh để nắm bắt tình hình và cập nhật hằng ngày số liệu doanh nghiệp xuất đi Mỹ.
Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động thành lập tổ hỗ trợ DN; tạo kênh thông tin để xử lý kịp thời cho DN; quán triệt tinh thần trách nhiệm, bố trí cán bộ làm việc cả những ngày nghỉ để xử lý thủ tục xuất khẩu cho DN; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để hàng hóa được thông quan nhanh chóng…
Chi cục cũng đã kiến nghị đẩy nhanh hoàn thuế, hạn chế chuyển luồng soi chiếu, có chính sách gia hạn đối với hàng đang lưu giữ trong kho ngoại quan sắp quá hạn 24 tháng hỗ trợ kéo dài thời gian lưu kho ngoại quan; tạm dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra... để tạo điều kiện cho DN tập trung xuất khẩu.
Trong văn bản mới nhất, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trước ngày 15.4.2025 phương án hỗ trợ DN, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các cơ quan, địa phương giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, giá vốn rẻ; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ…
Hoài Lam