Theo đó, phụ huynh học sinh và xã hội cần đồng hành với nhà trường để thực hiện việc giáo dục, đảm bảo kết hợp hài hòa cả 3 yếu tố trong giáo dục và tham gia giám sát việc thực hiện Thông tư 29. Phía nhà trường và giáo viên có trách nhiệm dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình, không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kỳ kiểm tra, tuyển sinh. Với những học sinh có kết quả chưa đạt, đang chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường, giáo viên cần có trách nhiệm bổ trợ cho các em.
Bộ GDĐT cũng đề nghị theo điều kiện thực tế của địa phương để có hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Không chờ cho đến khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư 29 (ban hành năm 2024), trước đó Bộ đã có Thông tư 17 (ban hành năm 2012) quy định rất rõ về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Cụ thể là không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa, tránh chuyện giáo viên đứng lớp dạy thêm chính học sinh lớp mình. Bộ GDĐT cũng đã có quy định các trường hợp không được dạy thêm, gồm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống). Nhưng cấm là một chuyện, trên thực tế học sinh vẫn phải bù đầu với các lớp học thêm. Và như thế, cho đến trước khi có Thông tư 29, việc dạy thêm, học thêm vẫn đang là hoạt động “chạy ngầm” được chấp nhận. Lý do bởi học thêm là nhu cầu, nhưng quan trọng hơn là không ít giáo viên coi đây là nguồn thu nhập chính bổ sung vào đồng lương ít ỏi. Cho dù, nhiều quy định cấm giáo viên dạy thêm được cơ quan quản lý ban hành, nhưng biện pháp quan trọng nhất là kiểm tra, phát hiện và xử lý thì xem ra vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này dẫn tới thực trạng chuyện dạy thêm, học thêm không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý mà còn gây nỗi bức xúc cho phụ huynh.
Những lá đơn “tự nguyện” đã hợp thức hóa việc dạy thêm, học thêm. Nhiều địa phương hiện đã có văn bản nêu rõ sẽ “truy” trách nhiệm của hiệu trưởng đối với dạy thêm, học thêm. Đáng lưu ý, Phòng GDĐT quận 7 (TP Hồ Chí Minh) vừa cho biết, ngay trong tháng 2 và tháng 3, Phòng sẽ tiến hành kiểm tra trách nhiệm của hiệu trưởng các trường tiểu học trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm. Như vậy là trách nhiệm của người đứng đầu đã rõ, để hoạt động dạy thêm, học thêm đúng quy định rất cần giám sát từ xã hội, từ phụ huynh học sinh.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), để triển khai có hiệu quả Thông tư 29, đáng lẽ chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt hơn về mặt tâm thế cho các bên gồm giáo viên, phụ huynh và học sinh. Hiện tại, điều đầu tiên cần làm chính là thay đổi nhận thức của giáo viên và phụ huynh. Cần xác định việc quản lý dạy thêm, học thêm cần sự quyết tâm vì lợi ích lâu dài.
Cùng đó, theo các chuyên gia dù đó là trường công hay trường tư, miễn là các quy định của Bộ GDĐT có cả các chế tài xử phạt và có hệ thống thanh tra giáo dục làm việc hiệu quả, thì chắc chắn không thể có những hành vi sai phạm, biến tướng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, Đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29/2024 của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10 ngày 7/2/2025; quy định về công tác kiểm tra của Bộ GDĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1489 ngày 24/5/2023 của Bộ trưởng Bộ GDĐT và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thời hạn kiểm tra từ ngày 20/2 đến ngày 20/3.
Vi Cầm