Cần quan tâm hơn đến việc bảo quản nông sản sau thu hoạch, chế biến

Cần quan tâm hơn đến việc bảo quản nông sản sau thu hoạch, chế biến
17 giờ trướcBài gốc
Các sản phẩm nông sản được trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng.
Điều 19, 20 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Cụ thể: có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến; có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các sản phẩm; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại; có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất. Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, phải ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường…
Ngoài ra, tại trên Điều 21 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm có quy định cụ thể về nhân lực, nhà xưởng sơ chế, chế biến và thiết bị, dụng cụ đối với cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Cụ thể như: chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất thực phẩm có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, khu vực phụ trợ phải bố trí theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; phân luồng riêng đối với sản phẩm, phụ gia, vật liệu bao gói, phế thải; khu vực kho nguyên liệu, kho thành phẩm; khu vực sơ chế, chế biến, đóng gói thực phẩm; khu vực vệ sinh...bphải tách biệt. Nước sử dụng cho sơ chế, chế biến đáp ứng các quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về chất lượng nước ăn uống và về chất lượng nước sinh hoạt. Thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến, chứa đựng, bao gói thực phẩm đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-1:2011/BYT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-2:2011/BYT về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng cao su tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-3:2011/BYT về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng kim loại tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…
Điều 4 Thông tư 15/2012/TT-BYT quy định điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có các quy định rất rõ ràng về nguyên liệu, kho bảo quản, bao bì, nước đá, kho bảo quản… trong suốt quá trình sơ chế, bảo quản cũng như chế biến và đóng gói sản phẩm.
Với Cà Mau, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với sản lượng hằng năm từ khai thác và nuôi trồng đạt trên 630.000 tấn. Theo đó, việc bảo quản và chế biến mặt hàng này trong suốt thời gian qua được tỉnh quan tâm đặc biệt và đạt được nhiều kết quả vượt bậc.
Một thông tin đáng phấn khởi được ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ: Cà Mau hiện nay là địa phương có công nghệ chế biến thủy sản từ nuôi trồng và khai thác đứng đầu cả nước, có nhiều mặt hàng chế biến sâu, giá trị gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay khâu bảo quản chỉ đạt ở mức trung bình, có thời điểm kho lạnh chưa đáp ứng yêu cầu về bảo quản sản phẩm, nhất là đối với các cơ sở nhỏ.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất mà các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) còn được xem là một mắt xích có tác động rất lớn đến chất lượng sản phẩm nông sản. Không chỉ là cầu nối để các sản phẩm của người dân làm ra đến với nhà máy chế biến nhanh hơn, đảm bảo chất lượng tốt hơn mà các HTX còn là nơi trực tiếp sản xuất, chế biến và cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp. Theo đó thời gian qua nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc thiết bị đảm bảo yêu cầu trong sơ chế cũng như bảo quản sản phẩm.
Từ nguyên liệu con tôm tự nhiên, HTX Trúc Thương (ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi) đã cho ra thị trường nhiều sản phẩm giá trị như: tôm chà bông, tôm khô, mắm tôm, tôm xẻ và tôm khô nguyễn vỏ. Trong đó, sản phẩm tôm khô và tôm chà bông đang trong quá trình làm thủ tục công nhận đạt chuẩn 4 sao.
Bà Trần Xuân Oanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Trúc Thương, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của đơn vị.
Theo bà Trần Xuân Oanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Trúc Thương, cho biết, thời gian qua HTX đã thành công nghiên cứu và chế biến ra các sản phẩm từ tôm đất với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Từ đó, vừa giữ được vị ngọt từ tôm đất thiên nhiên, không phẩm màu, không chất bảo quản, vừa cách biệt hoàn toàn với côn trùng, quy trình sản xuất khép kín an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, sản phẩm đã đạt chứng nhận chất lượng ISO 22000:2018.
Tuy vậy, hiện nay HTX cũng đang gặp phải một số khó khăn trong định hướng phát triển. Bà Oanh cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có của HTX và cho ra thị trường thêm 2 sản phẩm mới. Hiện nay nội lực của đơn vị đủ để sản xuất, tuy nhiên cần được hỗ trợ thêm về học hỏi kinh nghiệm trong chế biến cũng như xuất tiến thương mại. Ngoài ra, việc chứng nhận sản phẩm từ kiểm tra chất lượng và đăng ký nhãn hiệu kinh phí còn cao và mất nhiều thời gian để đáp ứng đầy đủ các quy định.
Với nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Cái Bát, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là tôm sú cấp đông và bánh phồng tôm. Để đạt được kết quả này, ông Nguyễn Hoàng Ân Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, nguyên liệu đầu vào mà HTX chọn là từ các vùng nuôi có chứng nhận hữu cơ, VietGAP và ASC. Tuy nhiên, hiện nay một số sản phẩm đang được làm thủ công, chưa được đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Ngoài ra, việc đánh giá nhà xưởng, nhãn mác, bao bì và chứng nhận an toàn thực phẩm... HTX cũng đã trải qua không ít khó khăn dù đã được hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước, nhất là để đáp ứng các tiêu chí đạt chứng nhận ISO, HTX cũng đã phải nhiều lần điều chỉnh và mất nhiều thời gian.
Sản phẩm nông nghiệp thường theo mùa vụ, khi vào chính vụ sản lượng thường tăng cao. Từ đó việc bảo quản là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Để đảm bảo chất lượng cũng như giảm tổn thất sau thu hoạch, việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết từ thu mua, sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông sản cho đến tiêu thụ là nhân tố quan trọng.
Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, xác định, Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh phải dựa trên nền tảng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng. Cụ thể, đến năm 2030, giá trị GRDP ngành nông nghiệp đạt gấp 1,5 lần so với năm 2025; củng cố, duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về ngành tôm. Sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cơ bản đạt trình độ hiện đại, bền vững.
Để đạt được mục tiêu này thì việc phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch gắn kết với vùng nguyên liệu được xem là giải pháp quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp tại tỉnh.
Nguyễn Phú – Chí Diện
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/can-quan-tam-hon-den-viec-bao-quan-nong-san-sau-thu-hoach-che-bien-a35923.html