Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sáng 27-11. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75%
Quan tâm nội dung về đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, dự thảo Luật quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được phép sử dụng tiền của mình để nộp vào Quỹ Bảo hiểm để được hưởng các chế độ… Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và có thể gây bức xúc cho người lao động, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp. Trong trường hợp này, cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động.
Đồng thời, có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm. “Việc đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động”, đại biểu nhấn mạnh.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), sáng 27-11. Ảnh: Quochoi.vn
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, trong trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc nợ bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng.
Song dưới góc độ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị xem xét áp dụng cơ chế giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính; bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp, hướng tới một môi trường lao động công bằng và bền vững.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) băn khoăn trường hợp người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc trái pháp luật, họ vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện. Tuy nhiên, quá trình giải quyết các vụ việc này có thể kéo dài vài năm. Do vậy, dự thảo Luật cần làm rõ trong thời gian này, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không.
Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Theo đại biểu, mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho người lao động, chứ chưa kể đến chi phí gia đình, vì hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
“Đề nghị cần rà soát, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay”, đại biểu Sang kiến nghị.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Cùng quan tâm đến quy định về đóng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc quy định yêu cầu người lao động phải bỏ ra trước một khoản tiền để đóng đủ số tiền người sử dụng lao động chưa đóng mới được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là không hợp lý. Đại biểu đề nghị cần trích từ Quỹ Bảo hiểm xã hội hoặc Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, để người lao động được hưởng chế độ sớm nhất và bảo hiểm xã hội cần có trách nhiệm thu hồi số tiền chậm đóng, trốn đóng…
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Trinh cho rằng, quy định không cho phép người lao động bị sa thải, buộc thôi việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xây dựng quy định này theo hướng cho phép đối tượng này được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đầy đủ bằng chứng về việc bị từ chối việc làm do lý do bị sa thải, buộc thôi việc trước đó.
“Dự thảo Luật cũng cần có quy định và cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động liên quan đến vấn đề người lao động đã bị sa thải, buộc thôi việc trước đó”, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh kiến nghị.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Nên quy định hỗ trợ tất cả hộ nghèo, cận nghèo
Góp ý về Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn mới được vay vốn là thiếu công bằng với những hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những nơi khác. Đại biểu đề nghị nên quy định hỗ trợ tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn trong cả nước vay vốn.
Để có thêm nguồn vốn cho chương trình giải quyết việc làm, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị, Chính phủ nghiên cứu xem xét, có cơ chế chuyển nguồn vốn vay dành cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn nhưng không giải ngân được do hết đối tượng sang chương trình cho vay giải quyết việc làm có nhu cầu vốn cao nhưng không có nguồn để cho vay.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm (Điều 8), điểm b, quy định đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số. Đại biểu đề nghị bổ sung các đối tượng sau: Người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình người dân tộc thiểu số.
“Đây là những đối tượng cũng rất khó khăn, có nhu cầu vay vốn lớn, nhưng rất khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại bởi cần tài sản đảm bảo hoặc khả năng chi trả lãi không đáp ứng được yêu cầu”, đại biểu Chu Thị Hồng Thái nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Quan tâm đến chính sách phát triển nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) nêu thực tế, ở khu vực trung du miền núi phía Bắc, bình quân khoảng 100 lao động, chỉ có 19 người đã qua đào tạo. Tỷ lệ này ở khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp hơn, chỉ từ 13 đến 16 người trên 100 lao động đã qua đào tạo.
Đa số chưa được qua đào tạo nên lao động dân tộc thiểu số chủ yếu làm việc đơn giản, thu nhập thấp. Do đó, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách để phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, nhằm giải quyết và tạo việc làm bền vững thông qua chương trình đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đình Hiệp