Cần quy định cụ thể điều kiện để nhà giáo được kéo dài tuổi nghỉ hưu

Cần quy định cụ thể điều kiện để nhà giáo được kéo dài tuổi nghỉ hưu
3 giờ trướcBài gốc
Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh: Quốc hội.
Phiên họp thứ 42, sáng 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
LƯƠNG NHÀ GIÁO ĐƯỢC XẾP CAO NHẤT TRONG HỆ THỐNG THANG BẬC LƯƠNG HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP
Dự thảo Luật Nhà giáo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều; giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8. Về nguồn kinh phí, trách nhiệm chi trả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo, nhất là đối với nhà giáo ngoài công lập, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và kinh phí thực hiện nhiệm vụ này.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp thu và bổ sung quy định “Kinh phí thực hiện đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc do ngân sách nhà nước bảo đảm”; chính sách này áp dụng cho cả nhà giáo công lập và ngoài công lập.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, đây là một chính sách lớn, áp dụng đối với nhà giáo công lập và ngoài công lập, cần nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội.
Báo cáo đánh giá tác động mới chỉ đánh giá về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với nhà giáo mầm non, phổ thông ngoài công lập. Chính sách này chưa thống nhất với quy định Luật Viên chức.
Do vậy, nếu quy định như đề xuất của Cơ quan chủ trì soạn thảo thì ngân sách Nhà nước không thể bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo công lập và ngoài công lập ở các cấp học, trình độ đào tạo.
Trường hợp giữ quy định như trên, cần giao Chính phủ quy định chi tiết về nguồn kinh phí thực hiện, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với nhà giáo ngoài công lập.Dự thảo Luật dự kiến sẽ thiết kế thành 2 phương án.
Phương án thứ nhất, quy định kinh phí thực hiện đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc do ngân sách nhà nước bảo đảm và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Phương án hai, quy định đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo quy định của Luật Viên chức; đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
GIÁO VIÊN MẦM NON NGHỈ HƯU TRƯỚC TUỔI PHẢI CÓ THỜI GIAN ĐÓNG BHXH TỪ 20 NĂM TRỞ LÊN MỚI
Về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, nhiều ý kiến cũng tán thành chính sách được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của pháp luật đối với giáo viên mầm non; đề nghị bổ sung tiêu chí nhà giáo phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới được nghỉ hưu trước tuổi và không bị trừ tỉ lệ tiền lương hưu được hưởng.
Theo Thường trực Ủy ban, việc cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm so với độ tuổi quy định của pháp luật là chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của đối tượng này và phù hợp với đặc thù người học là trẻ mầm non.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý và bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Đồng thời, dự thảo luật chỉnh lý sửa đổi, bổ sung khoản 3a sau khoản 3 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội tại điều khoản chuyển tiếp. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể yêu cầu, điều kiện để nhà giáo được kéo dài tuổi nghỉ hưu; có ý kiến băn khoăn về kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo ở cấp học mầm non, phổ thông.
Việc quy định đối tượng nhà giáo có trình độ, học hàm, học vị cao, nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được kéo dài thời gian làm việc và nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là cần thiết và hợp lý nhằm tận dụng, khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao; khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà giáo trình độ cao ở một số ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù mà xu hướng phát triển đất nước đang cần.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ điều kiện thực hiện chính sách này khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe và tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; đồng thời bổ sung tiêu chí “đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở giáo dục”.
Trong thời gian được kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.
XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG CHO GIÁO VIÊN THEO VỊ TRÍ VIỆC LÀM
Đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ cho rằng việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đã thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đã được thực tiễn chứng minh tính ổn định.
Cho ý kiến về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục triển khai việc sắp xếp cải cách tiền lương theo vị trí việc làm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Quốc hội.
Dự thảo Luật quy định "khi nhà giáo được tuyển dụng lần đầu thì mức lương khởi điểm sẽ tăng lên 1 bậc so với hệ thống thang bảng lương chung", có thể tạo nên sự không đồng bộ, bất cập khi nghiên cứu tổng thể hệ thống cải cách tiền lương theo vị trí việc làm.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, khi thực hiện cụ thể vị trí việc làm, sẽ thiết kế hệ thống thang bảng lương của nhà giáo theo hướng, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. "Nội dung này đã được thể hiện, khẳng định trong Điều 25 dự thảo Luật".
Về đạo đức nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng nên đổi thành "quy định về đạo đức nhà giáo" bởi đạo đức nhà giáo rất khó định nghĩa, thể hiện trong hành vi, ứng xử hàng ngày của nhà giáo và được mọi người đánh giá.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng đạo đức là một hệ giá trị chuẩn mực. Tuy nhiên, trong các từ điển thì lại đề cập đến quy tắc chuẩn mực ứng xử hoặc hệ thống các nguyên tắc, quy phạm để điều chỉnh hành vi.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề xuất đổi thành "quy định về đạo đức nhà giáo", như vậy dễ thuyết phục hơn, tránh tranh cãi về học thuật không cần thiết.
Liên quan đến quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ điểm khác giữa dự thảo Luật so với Luật Viên chức. Ngoài phân cấp cho người đứng đầu cơ sở giáo dục, dự thảo Luật đang quy định phân cấp cho cả cơ quan quản lý giáo dục. Tuy nhiên, Luật Viên chức chỉ phân cấp cho người đứng đầu cơ sở sự nghiệp công lập.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị làm rõ việc quản lý giáo viên đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ tuyển dụng thì việc điều động, luân chuyển công tác của giáo viên, thẩm quyền sẽ do cơ quan nào quản lý....
Hà Lê
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/can-quy-dinh-cu-the-dieu-kien-de-nha-giao-duoc-keo-dai-tuoi-nghi-huu.htm