Trạm thu phí BOT Điện Bàn trên Quốc lộ 1A qua thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thường xuyên vắng xe qua lại.
Trạm thu phí BOT Điện Bàn đặt tại km943+975 trên Quốc lộ 1A đoạn qua phường Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 545 (công ty 545) làm chủ đầu tư, khai thác Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A qua thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam theo hợp đồng BOT số 29/HĐ.BOT-BGTVT ngày 14/5/2014.
Dự án hoàn thành và bắt đầu thu phí từ giữa năm 2016 với nguồn thu ổn định, thậm chí cao hơn so với dự kiến, bảo đảm việc thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay cho ngân hàng và có thể hoàn vốn sớm hơn thời gian ghi trong hợp đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, việc thu phí tại trạm BOT Điện Bàn liên tục sụt giảm. Năm 2021 chỉ thu 78 tỷ/242 tỷ kế hoạch; năm 2022 thu 96/303 tỷ đồng, năm 2023 thu 80/322 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, doanh thu càng giảm mạnh, chỉ đạt chưa đến 15% so với kế hoạch thu.
Về nguyên nhân, ông Hồ Anh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV CECO545 BOT giải thích: thứ nhất là doanh nghiệp thực hiện miễn thu phí đối với các phương tiện giao thông trên địa bàn thị xã Điện Bàn và xe công của tỉnh Quảng Nam, các địa phương khác của Quảng Nam giảm 50% tiền vé theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Xe ô-tô thường xuyên đi vòng vào đường nội bộ các khu dân cư để né trạm thu phí.
Phương án tăng giá vé theo quy định trong hợp đồng 3 năm 1 lần chưa được cấp thẩm quyền cho áp dụng đúng thời gian; Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường ven biển Đà Nẵng đi Quảng Nam đưa vào hoạt động, nhiều tuyến đường huyện, đường tỉnh kết nối Đà Nẵng-Quảng Nam được mở rộng, nâng cấp.
Ông Nguyễn Bảo Thành, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng cho biết: Kể từ khi khu dân cư Điện Thắng Bắc giáp phía tây của trạm BOT Điện Bàn hoàn thành, xe ô-tô con, xe tải đều chỉ cần đi vòng lên phía tây vài trăm mét là tránh được trạm thu phí, như bản thân tôi mỗi ngày ra vào Tam Kỳ vài lần, chỉ tốn thêm nửa lít xăng là đỡ cả trăm ngàn tiền vé qua trạm. Vậy thì dại gì không đi, và luật cũng không cấm nên có lẽ hơn 90% xe đã “né” trạm.
Ông Nguyễn Nho Toàn, Trưởng trạm thu phí BOT Điện Bàn cho biết: Những năm trước, bình quân mỗi ngày có hơn 15 ngàn lượt xe qua trạm, thì hiện tại chỉ có hơn 3.500 lượt, trong đó có gần một nửa là xe đã được miễn giảm phí, nên thực tế mỗi ngày chỉ thu chừng hơn 1.500 lượt xe, bằng 1/10 so với trước đây.
Đường nội bộ trong các khu dân cư ở phường Điện Thắng Trung hư hỏng nặng.
Việc sụt giảm nghiêm trọng số lượng xe qua trạm thu phí Điện Bàn có nhiều nguyên nhân, gây ảnh hưởng lớn nhất là hầu hết xe ô-tô qua đoạn này đã đi vòng vào các khu dân cư gần trạm thu phí, không chỉ xe con mà cả xe tải, xe khách loại vừa và nhỏ.
Nhiều lần công ty 545 có văn bản và làm việc trực tiếp, đề xuất địa phương có giải pháp ngăn chặn xe né trạm, nhưng cũng chỉ hạn chế một phần đối với xe tải lớn, vì đường vào ra các khu dân cư không cấm xe lưu thông.
Ông Nguyễn Hữu Ba, người dân khu phố Thanh Quýt 6, phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn lo lắng: Mật độ xe đi vào các khu dân cư để né trạm thu phí ngày một tăng, khiến đường trong này hư hỏng nặng, nhiều ổ gà, ổ voi sâu đến 30, 40cm. Ở đây cũng thường xuyên xảy ra tai nạn xe máy vì sập ổ gà, nhất là khi mưa lớn, nước ngập qua đường thì rất khó nhận biết những vị trí ổ gà, ổ voi. Đã có trường hợp người đi xe máy ngã gãy tay, còn trầy xước tay chân, mặt thì rất nhiều.
Cách đây vài hôm, chiều 8/11, ngay điểm giao đường dân sinh với Quốc lộ 1A tại tại km943+850, thuộc phường Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ tai nạn do xe ô-tô tải 43H-01080 chạy hướng từ Tam Kỳ đi Đà Nẵng, khi vừa qua trạm thu phí thì đâm vào xe ô-tô con 43H-3827 chạy né trạm từ đường 33 xuống, khiến 3 người trên ô-tô con bị thương.
Vụ tai nạn xảy ra ngay phía bắc trạm thu phí Điện Bàn chiều 8/11 tại giao đường dân sinh với Quốc lộ 1A.
Cùng chung nỗi lo, chị Nguyễn Thị Mẫn, người dân phường Điện Thắng Trung cho biết: Nhà tôi ở ngay cạnh đường nhỏ mà xe ô-tô thường xuyên chạy qua để né trạm, người dân bất an vì ồn ào, khói bụi suốt ngày, lại rất dễ tai nạn do lượng xe qua lại không lúc nào ngưng, cả ngày lẫn đêm. Trước đây các cháu học sinh đi học có thể tự đi bằng xe đạp hoặc đi bộ, còn nay thì không ai dám cho con tự đi học để tránh tai nạn bất ngờ, hoặc bị nước bẩn do xe chạy ẩu bắn lên áo quần, sách vở.
Về tình trạng xe ô-tô chạy vòng qua các khu dân cư để né trạm thu phí, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: Chúng tôi nắm được vấn đề đã lâu, nhưng thực tế là luật không cấm xe con, xe tải nhỏ đi vào đường dân sinh. Đối với xe khách và xe xe tải lớn, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt, nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần nhỏ. Doanh nghiệp bỏ ra số tiền lớn để đầu tư nâng cấp, mở rộng đường cho dân đi, nếu thu không đủ bù đắp khoản vay lãi và vốn, không có phương án giải quyết dứt điểm thì chỉ có thua lỗ và phá sản.
Thực tế tình trạng xe né trạm BOT gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đầu tư BOT, chúng tôi đã báo cáo lên trên, đề xuất các giải pháp. Nhưng nói thật, nguyên nhân chính là trạm thu phí đặt ở vị trí không còn phù hợp, có quá nhiều đường vòng để xe né trạm dễ dàng. Vì thế, theo ông Nguyễn Xuân Hà, giải pháp tối ưu nhất là doanh nghiệp làm việc với Bộ Giao thông-Vận tải và UBND tỉnh Quảng Nam để đề xuất dời trạm thu phí đến vị trí khác phù hợp hơn thì mới có thể duy tu, bảo dưỡng và trả gốc và lãi vay ngân hàng, thu hồi vốn.
Xe ô-tô lưu thông dày đặc trên đường dân sinh song song với trạm thu phí.
Lo lắng trước tình trạng thua lỗ triền miên vì lưu lượng xe giảm mạnh, lãnh đạo Công ty 545 đã nhiều lần gửi đơn thư đến chính quyền địa phương, Bộ Giao thông-Vận tải, Chính phủ, Quốc hội, với nhiều đề xuất như cấm xe ô-tô né trạm bằng cách đi vào các khu dân cư, cho di dời trạm thu phí hoặc đề xuất nhà nước mua lại trạm thu phí theo tỷ lệ thời gian, nguồn vốn còn lại, nhưng cho đến nay chưa có cơ quan nào trả lời, giải đáp.
Ông Thân Hóa, Giám đốc Công ty 545 nói: Theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt: “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, chúng tôi nhiều lần gửi đơn kêu cứu từ Trung ương đến địa phương. Chúng tôi cố nuôi hy vọng sự việc sẽ được tháo gỡ, nhưng rốt cuộc mọi thứ vẫn bế tắc, không được giải quyết. Tiền nợ gốc và lãi ngân hàng quá hạn đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, việc lỗ lãi bao nhiêu thì có ngân hàng, kiểm toán chứng minh vì dòng tiền vào ra đều được giám sát hàng ngày. Vì thế chúng tôi rất mong chờ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải sớm có phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nếu không, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị phá sản.
THANH TÙNG