Cần sớm sửa chữa, cải tạo cung Nam Phương hoàng hậu

Cần sớm sửa chữa, cải tạo cung Nam Phương hoàng hậu
7 giờ trướcBài gốc
Nhiều hạng mục tại di tích cung Nam Phương hoàng hậu đã hư hỏng, xuống cấp
Đến với TP Đà Lạt, nhiều du khách sẽ lựa chọn đến thăm di tích cung Nam Phương hoàng hậu. Tại đây, du khách có dịp chiêm ngưỡng và phần nào hình dung về cuộc sống của hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, đó là Nam Phương hoàng hậu - Nguyễn Hữu Thị Lan.
Cung Nam Phương hoàng hậu ngự trên một mảnh đất cao, xung quanh là những tán thông xanh tươi mát. Căn biệt thự cổ được xây dựng vào năm 1932 bởi ông Nguyễn Hữu Hào. Ông Nguyễn Hữu Hào đã tặng cho con gái là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (sau lấy hiệu là Nam Phương hoàng hậu) làm của hồi môn đi lấy chồng nên dinh thự được đổi tên thành cung Nam Phương hoàng hậu.
Ông Hoàng Ngọc Huy - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, trải qua thăng trầm lịch sử, tòa dinh thự đã được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, song vẫn giữ nguyên được dáng vẻ ban đầu với nhiều hiện vật gốc. Cung Nam Phương hoàng hậu được giao cho Bảo tàng Lâm Đồng vào năm 1999, sau này, các cán bộ bảo tàng đã nghiên cứu tài liệu và biến ngôi biệt thự thành một triển lãm sinh động về cuộc sống hằng ngày của gia đình hoàng tộc cuối cùng và đưa vào phục vụ tham quan từ cuối năm 2011. Hằng năm, cung Nam Phương hoàng hậu đón khoảng 50.000 lượt khách tham quan.
Tuy nhiên, trải qua thời gian dài sử dụng, nhiều hạng mục tại di tích đã hư hỏng, xuống cấp, một số hạng mục cần được đầu tư sửa chữa và thay mới. Trong đó, nghiêm trọng nhất là phần mái ngói của di tích đã bị hư hại, nhiều vị trí bị dột nước thấm xuống nền nhà khi trời mưa; các lối cầu thang dẫn du khách lên và xuống tham quan bên trong nhà đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn; các trần nhà đều đã bị mục, tiềm ẩn nhiều mối lo cho du khách.
Trước thực trạng trên, Bảo tàng Lâm Đồng cũng đã có tờ trình thẩm định báo cáo hiện trạng và đề xuất chủ trương đầu tư cấp thiết Dự án Sửa chữa, cải tạo cung Nam Phương hoàng hậu lên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng với dự kiến tổng mức đầu tư là gần 27,8 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị sẽ thực hiện sửa chữa, cải tạo phần ngoại thất với các công việc chính như tiến hành phá dỡ nền bê tông và đổ bê tông nền sân M250 lối lên cung Nam Phương, sơn mới lớp sơn bảo vệ bên ngoài, tháo dỡ và thay mới mái ngói, cầu phong... Phần nội thất tiến hành sơn lại toàn bộ các tường bên trong, tháo dỡ các trần mục, gãy và đóng trần gỗ mới; sửa chữa, gia cố hệ thống các cầu thang lên các tầng; sửa chữa, bổ sung, thay mới các nhà vệ sinh trong nhà; làm mới toàn bộ hệ thống điện và nước; bổ sung thêm hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống an ninh...
Đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đã có tờ trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện Dự án Nâng cấp, sửa chữa và cải tạo cung Nam Phương hoàng hậu gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) và đang chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Mới đây, vào ngày 24/4, đoàn công tác do đồng chí Đinh Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra một số cơ sở thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn TP Đà Lạt. Tại cung Nam Phương hoàng hậu, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến hiện trạng bảo tồn, hệ thống kết cấu công trình, cảnh quan và các hạng mục phục vụ công tác tham quan, nghiên cứu. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Cung Nam Phương hoàng hậu không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, mà còn là di sản mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, cần được đầu tư bảo tồn đúng mức, gắn với phát triển du lịch bền vững”. Do đó, đồng chí đề nghị đơn vị chủ quản là Bảo tàng Lâm Đồng trước mắt khẩn trương tìm các phương án khả thi để kịp thời tu bổ, sửa chữa các di tích xuống cấp; đồng thời, lập phương án xem xét hạng mục nào thật sự cần thiết, cấp bách thì triển khai tu bổ, sửa chữa trước.
Mặt khác, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về hoạt động quản lý, bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, qua đó phát huy hiệu quả và giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của di tích và đảm bảo việc thu hút khách du lịch.
H.SA
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202505/can-som-sua-chua-cai-tao-cung-nam-phuong-hoang-hau-5a6006f/