Các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tiến hành phẫu thuật lấy tạng từ người hiến chết não
Người cho vẫn phải chi trả 20% chi phí dịch vụ xét nghiệm trước hiến tạng
Con trai chị Phạm Thị Nhàn* (50 tuổi, ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) có tiền sử viêm cầu thận mạn từ năm 2005. Đến năm 2021, cháu được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chẩn đoán bị suy thận mạn giai đoạn cuối và phải lọc máu chu kì 3 lần/tuần.
Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, gia đình chị đã quyết định ghép thận cho con để không phải đến bệnh viện chạy thận định kỳ. May mắn, sau khi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cần thiết, đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, chị Nhàn đủ điều kiện hiến thận cho con.
Mặc dù đã có bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 80% nhưng chị Nhàn vẫn phải đóng thêm gần 20 triệu chi phí cho các dịch vụ xét nghiệm trước ghép thận vì không có trong danh mục thanh toán. "Điều kiện kinh tế gia đình không dư dả do con trai ốm đau đã lâu.
Chuẩn bị chi phí liên quan cho quá trình chăm sóc tích cực sau hiến nữa, nên việc bỏ thêm gần 20 triệu đồng chi phí các xét nghiệm để hiến thận cho con là vấn đề không nhỏ với gia đình tôi. Nhà có mấy con bò, tôi cũng đã phải bán nốt để lo đủ chi phí điều trị vì thương con còn quá trẻ", chị Nhàn tâm sự.
Giải đáp về việc vì sao người cho tạng có BHYT vẫn phải trả chi phí xét nghiệm liên quan trước phẫu thuật, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, cho biết, với ghép thận - một trong những tạng ghép có chi phí thấp nhất - thì mỗi người cho cũng cần phải chi trả từ 15 đến 20 triệu đồng.
"Lý do là người hiến phải thực hiện các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, phải chụp cắt lớp, dựng hình, đánh giá chức năng 2 quả thận để giữ lại quả thận nào tốt hơn cho người hiến.
Chi phí cho phẫu thuật lấy tạng, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho người hiến, chi phí bảo quản tạng để ghép... những chi phí này hiện đều chưa có trong danh mục thanh toán của BHYT. Còn các bệnh viện thì không đủ tài chính để chi trả. Nếu người hiến có BHYT thì sẽ phải cùng chi trả 20%, còn chưa có BHYT thì phải chi trả toàn bộ chi phí này", ông Phúc cho biết.
Tại Hội nghị về công tác ghép mô - tạng ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) mới đây, đại diện Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng bày tỏ, với trường hợp ghép tạng, cơ quan bảo hiểm xã hội đang vận dụng thanh toán quyền lợi BHYT theo cách, thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế sử dụng thực tế.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, thẻ BHYT chỉ được được cấp miễn phí sau khi người cho tạng làm xong các thủ tục, nghĩa là khi họ đã ra viện. Như vậy, các chi phí trước đó, khi người cho tạng vào viện để phẫu thuật lấy tạng hiến, thì chưa biết thanh toán vào đâu.
Con trai chị Nhàn được các bác sĩ thăm khám sau khi phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Mức chi trả BHYT cho bệnh nhân ghép tạng thấp
Không chỉ người hiến tạng, vấn đề mức chi trả BHYT cho bệnh nhân ghép tạng hiện nay cũng còn rất thấp. Trong khi đó, ghép tạng đòi hỏi số tiền lớn, mặc dù chi phí thực hiện ca ghép ở Việt Nam thuộc diện thấp nhất thế giới.
Theo TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), ca ghép phổi đầu tiên tại bệnh viện này có chi phí 1,3 tỷ đồng, ca thứ 2 là 1,1 tỷ đồng. Đây là số tiền vượt quá khả năng chi trả của gia đình bệnh nhân nên để thực hiện được những ca ghép này, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phải tìm kiếm nguồn hỗ trợ chi phí gần 1 tỷ đồng.
Với chi phí ghép gan cũng tương tự như vậy. Theo PGS.TS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tại bệnh viện này, tổng chi phí 1 ca ghép gan khoảng 1 tỷ đồng, nhưng BHYT chỉ chi trả khoảng 200 triệu đồng, với bệnh nhân được hưởng 100%. Còn nếu bệnh nhân không được bảo hiểm 100% thì cao nhất chỉ được thanh toán 163 triệu đồng. Như vậy mức chi trả cho bệnh nhân ghép gan hiện nay rất thấp.
Bên cạnh đó, ngoài chi phí để thực hiện kỹ thuật ghép tạng, còn có các chi phí cho hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng. Những chi phí này chưa được xây dựng thống nhất ở nước ta, khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán, đặc biệt là đối với các bệnh viện có ca hiến tạng.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), thừa nhận quỹ bảo hiểm chưa chi trả được nhiều chi phí cho một ca ghép.
"Bảo hiểm đang chi trả tiền giường, xét nghiệm, máu, dịch truyền, thuốc... trong phạm vi danh mục được BHYT chi trả. Riêng tiền phẫu thuật, chi phí liên quan hiện chưa có cơ sở để thanh toán", ông Phúc nói.
Đề xuất xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho BHYT thanh toán
Hiện Bộ Y tế chưa quy định giá cho phẫu thuật ghép tạng nên người bệnh BHYT chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi theo Luật BHYT, do khó thanh toán với cơ quan bảo hiểm.
Do vậy, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), cho rằng, việc sớm xây dựng cơ cấu giá ghép tạng sẽ làm cơ sở cho BHYT thanh toán, áp dụng chung cho tất cả các cơ sở y tế trong cả nước.
Bên cạnh đó, có thể thành lập quỹ hỗ trợ nhân đạo để giúp phần nào khó khăn cho người bệnh, người hiến và giảm áp lực cho cơ sở y tế thực hiện lấy, ghép. Cần xây dựng chính sách thanh toán toàn bộ chi phí lấy tạng, chăm sóc hồi phục sức khỏe ngay sau khi hiến và định kỳ kiểm tra sức khỏe ngay tại cơ sở y tế đã hiến tạng hoặc nơi gần nhất, thuận lợi cho người hiến.
"Cần có quy định tôn vinh người đã hiến mô, tạng khi còn sống, cấp BHYT suốt đời và thẻ BHYT này phải được ưu tiên khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào phù hợp và được thanh toán ở hạn mức cao nhất 100%, kèm theo các chế độ ưu đãi đặc thù khác.
Cần cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời cho bố mẹ, vợ (chồng), con của người hiến tạng (đã chết) và được thanh toán ở hạn mức cao nhất, được ưu tiên nhận tạng trong trường hợp không may mắc bệnh cần ghép tạng. Nguồn quỹ hỗ trợ nuôi con người hiến tạng sau khi chết đến đủ 18 tuổi", TS.BS Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh.
* Theo Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, hiện cả nước có hơn 4.500 người chờ được hiến tạng. Tính từ tháng 6/1992 đến tháng 8/2024, Việt Nam đã thực hiện được 9.089 ca ghép tạng, trong đó có 8.536 ca ghép từ người cho sống và 533 ca từ người cho chết não.
* Theo tờ The Baltimore Sun, tại Mỹ, chi phí y tế của một người sống hiến tạng bao gồm đánh giá trước khi cấy ghép, phẫu thuật cấy ghép và các cuộc hẹn theo dõi, thường được bảo hiểm của người nhận chi trả. Năm 2018, một số tiểu bang ở Mỹ như Maryland, Utah đã đưa ra mức giảm thuế khá cao, 7.500-10.000 USD (tương đương khoảng 190-250 triệu đồng), đối với người hiến tạng. Phần giảm thuế này để bù lại chi phí liên quan đến hiến tạng, chẳng hạn như chi phí đi lại, ăn ở, hoặc phần lương bị trừ do nghỉ làm để hồi phục sức khỏe sau khi hiến tạng.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Bài, ảnh: Anh Đào