Khó tuyển dụng
Cô giáo Chế Ngọc Quỳnh Như (25 tuổi), ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) vừa được tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP về giảng dạy tại 1 trường THCS trên địa bàn huyện Tư Nghĩa.
Như tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Đại học Edith Cowan (Australia), là cựu học sinh lớp chuyên tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Lê Khiết, từng đoạt giải Ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh.
Cô giáo Chế Ngọc Quỳnh Như chia sẻ, tôi cảm thấy rất vui vì được tuyển dụng theo hình thức xét tuyển mà không qua thi tuyển, lại được công tác gần nhà. Ngoài lương, phụ cấp ngành, tôi còn được hưởng thêm 100% lương và phụ cấp tăng thêm trong vòng 5 năm, đảm bảo đời sống giúp tôi yên tâm công tác.
Cô giáo Chế Ngọc Quỳnh Như là 1 trong 2 giáo viên được tuyển dụng theo chính sách thu hút trong năm 2024.
Thầy giáo Hoàng Đại Nghĩa (26 tuổi), ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cũng vừa được tuyển dụng theo chính sách thu hút về giảng dạy tại 1 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Nghĩa tốt nghiệp thủ khoa đại học ngành Sư phạm Vật lý và thủ khoa thạc sĩ ngành Vật lý lý thuyết của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế); từng đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý, giải Ba Cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc.
Thầy giáo Hoàng Đại Nghĩa cho biết, qua tìm hiểu thông tin tuyển dụng giáo viên, em được biết Quảng Ngãi đang “trải thảm đón nhân tài” nên em quyết định nộp hồ sơ dự tuyển và may mắn trúng tuyển. Dù công tác xa nhà nhưng đây là cơ hội để em thực hiện được ước mơ làm thầy giáo cũng như chứng minh được năng lực của bản thân.
Dù “trải thảm đỏ đón nhân tài”, thế nhưng trong năm 2024, Quảng Ngãi chỉ tuyển dụng được 2 viên chức theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP. Trong năm 2023, Quảng Ngãi có nhu cầu tuyển dụng 218 chỉ tiêu, trong đó có 182 chỉ tiêu thuộc ngành y tế, tuy nhiên cũng chỉ tuyển dụng được 3 viên chức cho Sở GD&ĐT. Sau 6 năm triển khai thực hiện nghị định này, Quảng Ngãi chỉ tuyển dụng được 11 công chức, viên chức.
Giám đốc Sở Nội vụ Tạ Công Dũng cho biết, những công chức, viên chức được tuyển dụng theo chính sách thu hút đều phát huy được năng lực, sở trường, được lãnh đạo các đơn vị đánh giá cao. Tuy nhiên, số lượng công chức, viên chức được tuyển dụng là quá ít so với nhu cầu.
Cần sửa đổi phù hợp
Đối tượng được tuyển dụng theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP là những sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, trong độ tuổi từ 30 trở xuống. Sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi phải tốt nghiệp thạc sĩ có chuyên ngành đào tạo cùng ngành đào tạo ở bậc đại học. Người có trình độ tiến sĩ, độ tuổi dưới 35 tuổi.
Ngoài ra phải đáp ứng 1 trong 3 tiêu chuẩn. Đó là, đoạt giải Ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đoạt giải Khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế trong thời gian học ở cấp THPT. Đoạt giải Ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp THPT hoặc bậc đại học. Đoạt giải Ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ GD&ĐT công nhận.
Chính sách thu hút theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP cần được sửa đổi phù hợp với nhu cầu tuyển dụng ở địa bàn các huyện miền núi, vùng xa trung tâm.
Những người được tuyển dụng theo chính sách này không phải trải qua kỳ thi tuyển mà được ưu tiên xét tuyển. Ngoài lương, phụ cấp ngành được hưởng thêm 100% lương và phụ cấp tăng thêm trong 5 năm.
Giám đốc Sở Nội vụ Tạ Công Dũng cho rằng, tiêu chí để được tuyển dụng theo chính sách thu hút tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP là quá cao, chưa phù hợp với địa bàn các huyện miền núi, vùng xa trung tâm. Đây là nguyên nhân khiến số lượng sinh viên được tuyển dụng theo chính sách thu hút còn quá ít.
Vì vậy, cần thay đổi một số quy định của Nghị định 140/2017/NĐ-CP để phù hợp với thực tế ở từng khu vực. Ở những khu vực miền núi, xa trung tâm nên hạ tiêu chuẩn sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc xuống loại giỏi. Có như vậy mới tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài.
Bài, ảnh: ÁI KIỀU