Tại Hội nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng, các doanh nghiệp, Hiệp hội và các Thương vụ đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể thúc đẩy phát triển ngành logistics; định hướng xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng theo Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo Nghị quyết 136/2024/QH15, Quốc hội đồng ý để Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược, trong đó quy định Danh mục ngành nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
TP Đà Nẵng cũng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), pin công nghệ mới, vật liệu mới và sản phẩm công nghệ cao, quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo... Trong đó, cơ chế mang tính đòn bẩy đáng chú ý là việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao vào Đà Nẵng.
Hiện, Đà Nẵng đã chọn được 10 vị trí dự kiến để triển khai xây dựng khu thương mại tự do với tổng diện tích khoảng gần 1.500 ha. Các vị trí được chọn đều ở cạnh các tuyến, đầu mối giao thông thuận tiện, có những điều kiện thuận lợi cho xây dựng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do bao gồm: Khu sản xuất, trung tâm logistics; Khu thương mại - dịch vụ và các loại hình Khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Theo Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Sở Công Thương Đà Nẵng, hiện dự thảo sơ bộ đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng mới là những phác thảo ban đầu, hiện đang được các chuyên gia, đội ngũ tư vấn liên tục nghiên cứu, cập nhật và điều chỉnh.
Mục tiêu của việc thành lập Khu thương mại tự do giúp Đà Nẵng trở thành địa bàn có thể chế ưu việt theo thông lệ quốc tế, có sức hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư hàng đầu trong một số lĩnh vực và thí điểm các chính sách hiệu quả để thu hút các nguồn lực đầu tư. Ngoài ra, Đà Nẵng mong muốn hoàn thiện hạ tầng dịch vụ logistics xanh, chi phí tối ưu, thuận tiện và cạnh tranh để Đà Nẵng trở thành điểm đến cạnh tranh trong hành lang vận tải Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương. Đồng thời, là động lực tăng trưởng mới cho TP Đà Nẵng đóng góp vào tăng trưởng GRDP, tạo nhiều việc làm thu nhập cao trong môi trường làm việc quốc tế.
Các Tham tán Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trao trao đổi, góp ý, xây dựng và hoàn thiện đề án xây dựng và vận hành khu thương mại tự do với TP Đà Nẵng.
Tại hội nghị, nhiều đại diện thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng trao đổi, tập trung nội dung kinh nghiệm quốc tế để góp ý, xây dựng và hoàn thiện đề án xây dựng và vận hành khu thương mại tự do với TP Đà Nẵng. Ông Lê Phú Cường, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho rằng, Đà Nẵng cần phát huy thế mạnh thu hút đầu tư vào công nghệ cao, bán dẫn, logisitcs, cảng nước sâu, cảng du lịch...theo đó, Đà Nẵng cần tận dụng những ưu thế đi sau để phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trong đó tập trung vào xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong doanh nghiệp và khu thương mại tự do.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng thì cho rằng, bên cạnh các kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy, Đà Nẵng cần đẩy mạnh kết nối với các thị trường, thu hút các nước tới Đà Nẵng, Việt Nam. Muốn phát triển thì phải có ngành hàng mới, hấp dẫn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tuần hoàn. Theo ông Thướng, vấn đề tài chính là quan trọng, đẩy mạnh vào lĩnh vực này, thành phố thông minh có trung tâm tài chính, bảo hiểm, logictis kết nối toàn cầu. "Đây là thời cơ tốt, Đà Nẵng nên nghiên cứu kỹ và các mô hình của các nước và tăng liên kết vùng và tăng cường kết nối với các đối tác. Khi học hỏi kinh nghiệm của các nước chúng ta nên nghiên cứu thật kỹ, để thực hiện kế hoạch phát triển bền vững", ông Thướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thương vụ Việt Nam tại Indonexia cho rằng, bên cạnh chính sách ưu đãi thì hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của khu thương mại tự do. Do đó, từ kinh nghiệm của Indonexia, Đà Nẵng đi sau cần nghiên cứu kỹ về phát triển ngành nghề hiện đề xuất phát triển ngành du lịch, kinh tế số, thông tin, song Thương vụ đề xuất thêm ngành y tế; thương mại nên gắn thêm với ngành hàng sản xuất, logictis; có cơ chế ưu đãi và chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, liên kết vùng và phải có sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp.
Ông Bùi Bá Nghiêm, đại diện Cục xuất nhập khẩu cho biết, Quốc hội cho phép TP Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng, là chủ trương lớn và có ý nghĩa quan trọng, là động lực lớn thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung trên phạm vi cả nước phát triển.
Đây cũng là cơ sở, điểm nghiên cứu, cơ chế, chính sách mới, là tiền đề để luận hóa các quy định về khu thương mại tự do trên cả nước trong thời gian tới. Sau khi Quốc hội cho phép, TP Đà Nẵng cần triển khai, nghiên cứu áp dụng rõ địa giới khu thương mại tự do, các phân khu, chức năng cụ thể để có thể quy hoạch và thu hút đầu tư hiệu quả nhất.
Cũng theo ông Nghiêm, ngoài lợi thế là địa phương đầu tiên được Quốc hội cho phép thành lập khu thương mại tự do, Đà Nẵng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khi đây là mô hình cạnh tranh. Vì vậy, Đà Nẵng cần khẩn trương nắm bắt cơ hội, huy động các nguồn lực, tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực để biến dự án thành hiện thực trong thời gian sớm nhất. Song song với đó, Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khác trong các hoạt động để khu thương mại tự do Đà Nẵng hoạt động hiệu quả.
Dự kiến trong tháng 12/2024, UBND TP Đà Nẵng hoàn thành việc xây dựng Đề án, hồ sơ thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập.
Lưu Hiệp