Tiết canh là món khoái khẩu của nhiều người, trong đó có gia đình anh Nguyễn Văn Toàn (phường Hà Đông). Anh Toàn thường tìm mua tiết từ cửa hàng quen và tự chế biến món tiết canh tại nhà. Khó có thể đảm bảo an toàn khi liên cầu khuẩn có thể tồn tại cả trong những con lợn khỏe mạnh, và nguy cơ càng cao nếu tiếp xúc với lợn bệnh. "Tiết canh là món khoái khẩu của anh em chúng tôi. Khi ăn, tôi thường lựa chọn những cửa hàng thịt lợn quen biết, tôi tự tay mua về và làm để ăn", anh Toàn cho hay.
Thực tế, nhiều người Việt vẫn duy trì thói quen ăn tiết canh, lòng lợn, nem chạo, nem bốc… như một phần trong văn hóa ẩm thực truyền thống. Mặc dù có nhiều cảnh báo từ ngành y tế, thói quen này vẫn tiếp diễn hàng ngày. Nhiều người vẫn ăn mà không biết rằng việc sử dụng thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật chính là con đường nhanh nhất "kéo" vi khuẩn, ký sinh trùng vào cơ thể.
Chị Hoàng Thị Hiền (xã Vân Đình) cho biết: "Tôi thấy trên truyền hình nói về vận chuyển lợn bệnh, nên tôi cũng phải xem lại món nem bốc do món này thường được chế biến từ thịt sống ủ lên men".
Gần đây, cơ quan chức năng đã triệt phá một đường dây tiêu thụ hàng tấn lợn bệnh, lợn chết trên thị trường. Vì lợi nhuận mà các gian thương sẵn sàng buôn bán lợn bệnh, lợn chết - hành vi coi thường pháp luật, coi nhẹ sức khỏe cộng đồng để trục lợi.
Thượng tá Vũ Thị Hoàng Yến - Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội cho biết: "Hành vi buôn bán lợn bệnh, lợn chết không chỉ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi".
Để đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho bản thân, mỗi người nên là người tiêu dùng thông thái, nên sử dụng các sản phẩm động vật đã qua chế biến và ăn chín uống sôi. Người tiêu dùng không nên sử dụng tiết canh và các sản phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, mua các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ vì sức khỏe của gia đình.
Thùy Dương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/can-than-trong-khi-an-do-tuoi-song-nguon-goc-dong-vat-347098.htm