Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 15/2 (ảnh: VPQH cung cấp).
Phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật
Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đắk Nông cho rằng, năm 2025, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% thì cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân phải nỗ lực hơn 100%.
Đại biểu nhấn mạnh, phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao công tác tổ chức thi hành pháp luật. Theo đánh giá của Chính phủ, thể chế vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn, còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển, một số cơ chế, chính sách chậm sửa đổi; phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập hạn chế.
Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).
Đại biểu đề nghị đưa ra giải pháp tháo gỡ để không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” nữa mà là “đột phá của đột phá”, kiến tạo không gian phát triển mới.
Bên cạnh đó tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Đại biểu bày tỏ thống nhất với khẳng định đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng nên phải có giải pháp để gắn trách nhiệm thực hiện, để đổi mới quản lý đầu tư công, bảo đảm giải ngân số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung.
Bên cạnh đó, cần tăng cường chính sách tài khóa, vốn đầu tư. Thực hiện chủ trương lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư. Cần chấm dứt hạn chế, tồn tại trong giải ngân đầu tư công.
Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).
Cho rằng cần đẩy mạnh sửa đổi, triển khai quy hoạch điện 8 trong thời gian tới, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ với các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đang “đứng im”, gây lãng phí cho xã hội.
Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tạo đột phá, tăng năng suất lao động, là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế đạt 8%...
Đấu thầu mất nhiều thời gian mà chưa chắc tránh được tiêu cực
Góp ý vào đề án, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) nêu nhiều vấn đề cần quan tâm xử lý. Trước hết, theo đại biểu, cần có sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).
Bên cạnh đó, phải có chỉ tiêu đánh giá KPI, tức kết quả công việc của cán bộ, công chúc, viên chức Nhà nước theo 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Những người hoàn thành xuất sắc sẽ được hưởng chế độ, như tặng bằng khen, thưởng theo cấp bậc khác nhau; thậm chí cả đề bạt, thăng chức.
Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI, hộ kinh doanh được đánh giá như về nộp thuế, bảo vệ môi trường, đóng góp xã hội, từ thiện, văn hóa… Đặc biệt tập trung doanh nghiệp vừa vì đây là lực lượng có thể đầu tư hỗ trợ phát triển, quan trọng nhất là doanh nghiệp công nghệ.
Đại biểu cũng cho rằng 5 triệu hộ kinh doanh phải có nghĩa vụ với xã hội, còn nghĩa vụ thế nào thì cơ quan chuyên môn đề xuất, nhưng phải tạo điều kiện, không gây khó khăn phiền nhiễu.
Đại biểu cũng nêu quan điểm, các dự án không nên quá tập trung vào đấu thầu. Cái gì thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc bộ thì bộ quyết, thuộc tỉnh thì tỉnh quyết, người đứng đầu quyết. Hiện đấu thầu mất nhiều thời gian mà chưa chắc tránh được tiêu cực…
Vũ Cảnh