Năm 2024, Quản Bạ đón gần 509.000 lượt khách, nhưng chỉ có trên 55.000 lượt khách ở lại lưu trú, chiếm 10,8% tổng lượt khách. Điều này cho thấy các sản phẩm du lịch của huyện vẫn chưa đủ sức thu hút du khách. Làm thế nào để Quản Bạ trở thành điểm du lịch hấp dẫn và níu chân du khách là “bài toán” cần các cấp, ngành và địa phương cùng quan tâm.
Quản Bạ có không ít lợi thế để thu hút khách du lịch khi nằm trên trục chính tuyến Quốc lộ 4C, có nhiều khu, điểm nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm thương hiệu như: Cổng trời, Núi đôi, hang Lùng Khúy; làng nghề dệt lanh Lùng Tám, Cán Tỷ; vườn đào Cao Mã Pờ, vườn Anh đào Nặm Đăm; danh lam thắng cảnh Thạch Sơn Thần; cây Nghiến cô đơn… Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village, xã Đông Hà được xem như “Bản giao hưởng nghệ thuật trên cao nguyên”, hay “Nơi lối về văn hóa miền cao bắt đầu”. Nơi đây có không gian kết hợp hài hòa giữa các vật liệu tự nhiên mang sắc thái riêng của vùng Cao nguyên đá; các công trình được xây dựng dựa trên nền tảng văn hóa của dân tộc Mông như các bungalow hình quẩy tấu, những dãy nhà với tường được trình thủ công bằng đất tự nhiên, sử dụng mái ngói âm dương làm từ đất nung, khuôn viên sân vườn được xếp bằng đá xanh của Hà Giang, kết hợp với cây cỏ, mang lại một không gian sống gần gũi với môi trường, hòa nhập với thiên nhiên. Khu nghỉ dưỡng đạt các tiêu chuẩn cao nhất về dịch vụ du lịch và được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là cơ sở lưu trú du lịch đạt “Nhãn lưu trú du lịch “VITA Green” cấp độ xuất sắc”.
Kiến tạo hình “ruộng bậc thang” tuyệt đẹp trong hang Quả Na, xã Tùng Vài.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ cũng là một điểm lưu trú hấp dẫn du khách. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Dao với hầu hết những nét văn hóa truyền thống đặc sắc vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Các gia đình nơi đây tu sửa, nâng cấp nhà ở của mình với kiến trúc truyền thống để làm các homestay phục vụ du khách. Đây là Làng văn hóa du lịch cộng đồng duy nhất của tỉnh đến thời điểm này 2 lần được nhận giải thưởng về du lịch của khu vực ASEAN (năm 2017 và 2023).
Từ những điểm nhấn trên, cùng với các thương hiệu du lịch của Hà Giang như: “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2023 và “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á”, Quản Bạ đón lượng khách du lịch đặt chân tới địa bàn tham quan ngày càng tăng. Năm 2024, tổng số lượng khách du lịch đến huyện đạt gần 509.000 lượt, số khách lưu trú trên 55.000 lượt.
Hiện Quản Bạ có 1 Khu nghỉ dưỡng, 2 khách sạn, 20 nhà nghỉ và nhà trọ, 50 homestay với khoảng 550 buồng phòng, đáp ứng được trên 1.400 khách lưu trú/ngày; hệ thống 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 15 cơ sở kinh doanh sản phẩm du lịch đảm bảo các nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, tổng số khách lưu trú tại huyện trong năm 2024 chỉ chiếm khoảng 10,8% tổng lượng khách qua địa bàn; chia bình quân chỉ đạt gần 140 lượt người/ngày, đạt 10% khả năng phục vụ của huyện. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 75 tỷ đồng. Đây là những con số rất thấp so với các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và là minh chứng: Quản Bạ đang chỉ là điểm trung chuyển, điểm dừng chân mà chưa phải điểm đến hấp dẫn trên lộ trình khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn của du khách.
Những bungalow hình quẩy tấu ở khu nghỉ dưỡng H’Mong Village là điểm du lịch hấp dẫn.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quản Bạ, Lê Minh Lập chia sẻ: Những năm qua huyện rất tích cực đề ra các giải pháp và tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc; phát triển sản phẩm du lịch của địa phương theo hướng thân thiện, an toàn; thu hút đầu tư vào dịch vụ du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương; duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ sở lưu trú, điểm du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch... Tuy nhiên thực sự đến nay những tiềm năng về du lịch của huyện vẫn chưa được khai thác hiệu quả và một số tiềm năng còn bỏ ngỏ.
Thực tế, Quản Bạ còn nhiều dư địa để trở thành điểm du lịch hấp dẫn, giữ chân du khách khám phá, trải nghiệm bởi trên địa bàn huyện còn hệ thống các hang động được kiến tạo từ hàng trăm triệu năm đẹp như tranh vẽ chưa được đưa vào khai thác như: Hang Khố Mỷ, hang Quả Na, (xã Tùng Vài); hang Thượng Sơn (thị trấn Tam Sơn); hang Lùng Mười (xã Quyết Tiến). Hay khu vực Cổng trời đang khai thác chưa xứng với tiềm năng. Đỉnh núi Ba Tiên với những sự tích huyền bí và nhiều loài động, thực vật quý hiếm có thể trở thành điểm tham quan thú vị. Di tích lịch sử Tường thành và Cổng thành Cán Tỷ có thể trở thành điểm dừng chân khám phá trên cung đường Cán Tỷ - Yên Minh. Cùng nhiều bản làng nguyên sơ, nghề truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chưa được quảng bá, giới thiệu đến du khách, chưa được đầu tư trở thành sản phẩm, điểm du lịch. Ngoài ra, hiện nay Quản Bạ đang xây dựng các Khu dân cư kiểu mẫu ở các thôn, xóm – một trong những điểm nhấn với cách làm rất riêng của mỗi địa phương có thể phát triển thành các điểm thu hút khách tham quan và lưu trú…
Trưởng phòng Văn hóa và thông tin Quản Bạ, Lê Minh Lập trăn trở: Với điều kiện một huyện nghèo, nguồn lực đầu tư hạn chế, để khai thác tối đa những tiềm năng du lịch của huyện cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và sự giúp đỡ của các sở, ngành, sự đầu tư của doanh nghiệp và nội lực của người dân mới có thể tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Bài, ảnh: DUY TUẤN