Bổ sung vi chất dinh dưỡng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ cho trẻ nhỏ.
Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi điều kiện sống và dinh dưỡng còn nhiều hạn chế, việc can thiệp kịp thời đóng vai trò then chốt để giảm thiểu nguy cơ suy dinh dưỡng, thiếu máu và các bệnh lý liên quan.
Theo TS.BS Huỳnh Nam Phương – Phòng Quản lý khoa học, Viện Dinh dưỡng, kết quả từ các cuộc điều tra quốc gia và nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang ở mức báo động:
"Trẻ em dưới 5 tuổi ở vùng dân tộc thiểu số thường thiếu hụt nghiêm trọng các vi chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, sắt, kẽm và i-ốt.
• Thiếu máu do thiếu sắt là vấn đề phổ biến, đặc biệt ở trẻ em dưới 2 tuổi.
• Thiếu vitamin A vẫn còn tồn tại với tỷ lệ thiếu dưới ngưỡng an toàn tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
• Thiếu kẽm liên quan đến suy dinh dưỡng thể thấp còi và làm giảm sức đề kháng của trẻ.
Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển trí tuệ, thể chất của trẻ em."
Bức tranh dinh dưỡng ở các xã vùng sâu, vùng xa cho thấy nhiều trẻ nhỏ không được tiếp cận đầy đủ với thực phẩm giàu vi chất. Thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém, tập quán ăn uống đơn điệu và sự hạn chế trong kiến thức chăm sóc trẻ của người lớn là những yếu tố khiến tình trạng thiếu vi chất trở nên dai dẳng và khó kiểm soát. Việc thiếu vi chất thường diễn ra âm thầm, khó nhận biết, nhưng hậu quả lại kéo dài và để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe, sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Những chương trình can thiệp – nỗ lực thu hẹp khoảng cách
Trước thực trạng trên, các chương trình quốc gia đã được triển khai nhằm cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng ở trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
TS.BS Huỳnh Nam Phương chia sẻ, hiện nay các hình thức bổ sung hiện nay bao gồm: Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số được thực hiện thông qua các chương trình quốc gia như:
• Chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/năm cho trẻ 6–59 tháng tuổi.
• 2 chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo và DTTS): Bổ sung đa vi chất dạng bột (gói đa vi chất có thành phần tối thiểu là vitamin A, sắt và kẽm) cho trẻ từ 6 tháng tuổi, đặc biệt ở các vùng có tỷ lệ thiếu máu và suy dinh dưỡng cao.
• Chương trình can thiệp kẽm kết hợp điều trị tiêu chảy tại tuyến y tế cơ sở.
Chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/năm cho trẻ 6–59 tháng tuổi
TS.BS Huỳnh Nam Phương cho biết thêm, hiệu quả ghi nhận ở một số tỉnh cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A và thiếu máu đã giảm, tuy nhiên tính bền vững và bao phủ còn chưa đồng đều, phụ thuộc vào điều kiện địa phương, nguồn lực y tế và mức độ tiếp cận của người dân.
Thực tế ghi nhận tại một số huyện miền núi cho thấy các chiến dịch phát vitamin A liều cao đã đến được phần lớn trẻ em dưới 5 tuổi, tuy nhiên chương trình bổ sung đa vi chất dạng bột lại chưa đồng đều.
Nhiều nơi thiếu nguồn lực hoặc chưa tổ chức được điểm phát đều đặn, dẫn đến gián đoạn quá trình bổ sung.
Cấp phát bột đa vi chất cho trẻ em suy dinh dưỡng trong Chương trình MTQGP: phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Khó khăn trong thực hiện:
Việc triển khai bổ sung vi chất cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều trở ngại. Một số nguyên nhân được ghi nhận gồm:
• Nguồn cung vi chất không ổn định, phụ thuộc vào kinh phí chương trình mục tiêu, qui trình phê duyệt kinh phí, tổ chức mua sắm đấu thầu của các đơn vị được phân bổ kinh phí tại tuyến tỉnh và huyện còn muộn và bất cập.
• Người dân còn thờ ơ, chưa hiểu rõ vai trò của vi chất với sức khỏe trẻ nhỏ Y tế cơ sở thiếu nhân lực, thiếu tập huấn về quản lý và phát vi chất cũng như tư vấn và theo dõi giám sát sử dụng.
• Địa hình cách trở khiến nhiều trẻ không đến được trạm y tế xã theo đúng lịch
Những yếu tố này khiến hiệu quả can thiệp chưa cao, khó duy trì sự ổn định về lâu dài.
Giải pháp để can thiệp hiệu quả và bền vững
Để tăng cường hiệu quả các chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng, cần đồng bộ nhiều giải pháp. Theo các chuyên gia dinh dưỡng và quản lý y tế cộng đồng, trọng tâm cần đặt vào:
• Đẩy mạnh truyền thông dinh dưỡng đến các hộ gia đình dân tộc thiểu số Đảm bảo chuỗi cung ứng vi chất bền vững, tránh đứt đoạn giữa các kỳ phân phối
• Tăng cường đào tạo, hỗ trợ y tế tuyến xã để chủ động phát hiện, theo dõi trẻ có nguy cơ thiếu vi chất
• Tích hợp việc bổ sung vi chất vào các hoạt động y tế sẵn có như tiêm chủng, khám sức khỏe, theo dõi tăng trưởng
• Huy động sự phối hợp giữa ngành y tế, giáo dục, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội
TS.BS Huỳnh Nam Phương nhấn mạnh việc bổ sung vi chất cho trẻ em không chỉ mang lại lợi ích sức khỏe trước mắt mà còn là một chiến lược đầu tư lâu dài vào nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Một đứa trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ hôm nay chính là nền tảng cho một cộng đồng khỏe mạnh, bình đẳng và phát triển bền vững trong tương lai.
Dù còn nhiều khó khăn trong triển khai, nhưng với sự quan tâm từ các cấp quản lý và sự chung tay của cộng đồng, các chương trình bổ sung vi chất có thể mở rộng hơn nữa, từng bước thu hẹp khoảng cách dinh dưỡng giữa trẻ em miền núi và miền xuôi.
Minh Diễm