Sáng 24/4 tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, dưới sự chủ trì của Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tiến hành thẩm tra Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tính cấp thiết bảo vệ quyền con người, quyền công dân
Phát biểu mở đầu nội dung họp, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho biết, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là dự án luật có liên quan, gần gũi với từng cá nhân trong xã hội, tuy nhiên đây cũng là dự án luật có tác động lớn, mới và khó. Việc xây dựng dự án luật này trong bối cảnh hiện nay có nhiều yêu cầu mới đặt ra, cần phải lưu ý khi thẩm tra. Đó là Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chỉ đạo mới, quyết liệt về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, trong đó Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp Thẩm tra Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới, trong bối cảnh đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng luật bảo đảm đưa những nội dung mang tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội, những nội dung cụ thể giao cho Chính phủ.
Xây dựng Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng xuất phát từ tình hình thực tiễn các hoạt động xâm phạm dữ liệu cá nhân; xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của dữ liệu cá nhân gắn với hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, liên quan đến sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với dự thảo luật này là rất cao và rất thiết thực.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới mong muốn các thành viên Ủy ban, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương và các đại biểu tham dự phiên họp tham gia nhiều ý kiến thẳng thắn, xây dựng đối với dự án luật do Chính phủ trình để Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại hoàn thiện báo cáo thẩm tra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức điều hành tham luận và phát biểu kết thúc phiên họp.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, việc xây dựng Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm đáp ứng yêu cầu về chính trị, pháp lý, trong đó có Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tính cấp thiết nhằm kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, ngăn chặn hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân tràn lan hiện nay; đồng thời, tạo sự đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt của hệ thống pháp luật, phục vụ cuộc cách mạng đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; ngày 4/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP giao Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh nêu một số vấn đề trọng tâm về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bổ sung thêm 2 nội dung mới là: Chương quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình sử dụng dữ liệu cá nhân phục vụ mục đích kinh doanh và chương quy định về biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Về thủ tục hành chính, tiếp thu triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Dự thảo luật giữ 3 thủ tục hành chính cũ từ Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023; giảm 5 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện xuống còn 3 ngành nghề nhạy cảm, cần thiết phải quy định, gồm: kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân; kinh doanh dịch vụ…
Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại báo cáo tóm tắt Thẩm tra Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Báo cáo tóm tắt Thẩm tra Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho biết, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và cho rằng, dữ liệu cá nhân có vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn dữ liệu chiến lược, tác động trực tiếp, toàn diện đến chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của một quốc gia, nhưng công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời gian qua vẫn còn buông lỏng, để xảy ra các hoạt động thu thập, tấn công, chiếm đoạt, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Đại tá Vũ Huy Khánh nhấn mạnh, do đó, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị pháp lý cho việc tổ chức thực hiện thống nhất. Việc xây dựng, ban hành luật này là phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại thấy rằng, hồ sơ dự án luật về cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này; cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật.
Nhất trí ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Tại phiên họp, các đại biểu đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, trong dữ liệu cá nhân có dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Vì vậy cần nghiên cứu làm rõ, giải thích các khái niệm, từ ngữ để đối tượng chịu sự tác động và người dân hiểu, dễ thực hiện; cần giải thích rõ khái niệm “mua bán dữ liệu cá nhân” để tránh việc nhầm lẫn trong quá trình thực thi; làm rõ thêm mối quan hệ giữa các quy định trong dự thảo luật này với Luật Dữ liệu đã được Quốc hội thông qua...
Các đại biểu tham gia góp ý kiến vào Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên thẩm tra, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo luật.
Phát biểu kết luận phiên họp, thay mặt cơ quan thẩm tra, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Cơ quan soạn thảo trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đúng tiến độ. Qua thẩm tra chính thức cho thấy, tất cả các thành viên Ủy ban và các đại biểu dự họp đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là trước thực trạng lộ, lọt, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tội phạm trên không gian mạng, vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân để lừa đảo, tống tiền và các hình thức khác để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cho thấy, rất cần thiết ban hành luật này để tạo hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân. Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá cao, việc xây dựng dự án luật đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, bảo đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản thống nhất trong hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Nguyễn Minh Đức khẳng định, Ủy ban sẽ tổng hợp, tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý tại phiên họp thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật cho sát hơn với thực tiễn để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Minh Hiền