Các khu chung cư được xây dựng tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Trước đây, Việt Nam chưa có nhiều công trình cao tầng nên cảm nhận động đất không nhiều và không rõ ràng như hiện tại. Tuy nhiên, các công trình cao tầng ngày càng gia tăng cả về số lượng và chiều cao trên toàn quốc.
Bởi vậy, trận động đất mạnh 7,7 độ richter ở Myanmar với thiệt hại nặng nề tại khu vực tâm chấn đồng thời gây ra rung chấn lan rộng khiến dư luận xã hội lo ngại và quan tâm đến khả năng chống chịu ảnh hưởng của các công trình xây dựng cao tầng tại Việt Nam. Nhất là khi tại TP. Hồ Chí Minh, người dân phản ánh về những vết nứt, nền gạch bong tróc sau hiện tượng động đất xảy ra ngày 28/3 vừa qua.
Chia sẻ về những băn khoăn, lo lắng này, chuyên gia Q.H cho rằng, từ năm 1990, về cơ bản, các công trình xây dựng đã được tính toán về khả năng chống chịu động đất. Còn trước đó, nhà cao tầng chủ yếu là tập thể cũ, phổ biến từ 3-5 tầng, được xây dựng từ “thời bao cấp” thì chưa được tính toán yếu tố này. Tuy nhiên, Việt Nam không nằm trong “vành đai động đất” nên vấn đề này khi đó cũng không đáng lo ngại mà chủ yếu là phòng ngừa.
Cũng theo chuyên gia Q.H, từ năm 2006, thiết kế công trình chống động đất đã trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng, nhất là với khu vực địa chất không ổn định. Cụ thể, năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất” và được chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012 năm 2012.
Đây là cơ sở cho các chủ đầu tư tính toán kháng chấn cho công trình. Như vậy, hành lang pháp lý và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến chống chịu động đất cho các công trình đã tương đối đầy đủ và liên tục được cập nhật. Vấn đề tiếp theo là khâu giám sát thực thi - chuyên gia này khẳng định.
Dưới góc nhìn cơ quan chuyên môn, Tiến sỹ Lê Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đã ban hành và tham mưu ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế và xây dựng công trình chịu động đất nhằm đảm bảo an toàn, độ bền vững và khả năng chống chịu của công trình trước tác động của động đất. Tại Điều 91, Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định về việc đảm bảo an toàn công trình. Theo đó, các công trình xây dựng phải được thiết kế và thi công đảm bảo khả năng chịu lực, tính ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất.
Đến năm 2022, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 02:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng trên cơ sở soát xét QCVN 02:2009/BXD. Quy chuẩn kỹ thuật này quy định số liệu điều kiện tự nhiên áp dụng trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các hoạt động xây dựng bao gồm: lập quy hoạch xây dựng; lập dự án đầu tư, thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng công trình và quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tại Việt Nam.
Theo đó, khi thiết kế công trình chịu động đất, đỉnh gia tốc nền tham chiếu tại địa điểm xây dựng được xác định bằng một trong hai cách. Hoặc theo bảng phân vùng đỉnh gia tốc nền tham chiếu theo địa danh hành chính; Hoặc khi cần chính xác hơn theo Bản đồ phân vùng đỉnh gia tốc nền tham chiếu lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 (được lưu trữ tại Viện Vật lý địa cầu – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Việt Nam nằm cách xa vùng địa chất bị đứt gãy bởi dãy động đất nên thực tế không thường xuyên xảy ra những trận động đất lớn, nhất là ở các khu đô thị đông đúc nhà cao tầng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về vấn đề này vẫn phải chấp hành nghiêm theo đúng quy định. Khi xây dựng, các công trình phải được khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo được chất lượng, độ bền vững; đảm bảo an toàn cho người, góp phần bảo vệ tài sản và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra động đất – ông Long cho hay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguy cơ chống chọi của các tòa nhà nếu động đất xảy ra còn phụ thuộc vào từng khu vực địa chất hoặc chất lượng công trình như quá trình thi công có đảm bảo đúng chất lượng, đúng, đủ vật liệu như thiết kế hay không. Bên cạnh đó, phải xem xét đến yếu tố công trình bởi công trình càng cao càng dễ cảm nhận được “rung lắc” khi xảy ra động đất. Bởi vậy, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh – nơi tập trung nhiều công trình cao tầng thì những rung chấn từ vụ động đất vừa qua được người dân cảm nhận rất rõ.
Hiện Việt Nam đã có tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn cho công trình; trong đó đã xây dựng bản đồ nguy hiểm động đất với các giá trị gia tốc nền cho cả nước. Theo đó, tất cả các công trình đều phải được thiết kế chống chịu được động đất theo tiêu chuẩn này.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh – Phó Viện trưởng Viện Các Khoa học Trái đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), việc đảm bảo khả năng kháng chấn của các công trình là rất quan trọng; cần đánh giá rủi ro động đất, thích ứng từ khâu đổ móng, xây nhà…
Đơn cử như ở Hà Nội có nhiều khu nhà chung cư, tập thể đã xuống cấp, kết cấu yếu cần có đánh giá rủi ro về động đất. Bởi khi công trình yếu, không đảm bảo kháng chấn sẽ rất nguy hiểm. Do đó, cơ quan chức năng cần đánh giá định kỳ để có phương án hoặc gia cố, hoặc phá bỏ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Không chủ quan, thực hiện các kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ về chất lượng kháng chấn của công trình là cần thiết theo quy chế phòng chống động đất của Chính phủ; trong đó, vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành liên quan chịu trách nhiệm rất quan trọng – ông Xuân Anh phân tích.
Còn đối với các công trình cao tầng, nên lắp đặt các máy đo rung chấn để đánh giá mức độ và sức ảnh hưởng. Hiện việc đánh giá ảnh hưởng đến công trình chủ yếu do người ghi nhận bằng cảm quan. Còn các thiết bị quan trắc sẽ cho phép xác định chính xác mức độ rung lắc. Từ những số liệu đó đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo phù hợp cho người dân.
Thu Hằng/BNEWS/TTXVN