Giờ lên lớp của giáo viên Trường Tiểu học Long Xuyên (Phúc Thọ, Hà Nội).
Giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nhà giáo là đối tượng đặc thù, cần được quan tâm nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, phân bổ chỉ tiêu theo dân số ở địa phương. Giáo viên ở thành phố lớn thì thừa nhưng ở những vùng khó khăn lại thiếu. Việc tuyển chọn giáo viên vẫn đang do ngành Nội vụ ở các địa phương thực hiện nên không thể giải quyết hết bài toán về thừa, thiếu giáo viên.
Trước thực tế trên, đại biểu Tạ Văn Hạ đề xuất, Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo nên giao cho ngành Giáo dục ở các địa phương tuyển chọn. Mặt khác, việc giảm biên chế cũng cần xem xét để đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt nhất.
Đồng quan điểm, đại biểu Châu Quỳnh Giao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nhất trí với việc giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo, để không quá phụ thuộc vào ngành Nội vụ trong việc tuyển dụng và cũng dễ dàng hơn trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên ở các địa phương một cách phù hợp, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ.
Về thẩm quyền tuyển dụng, đại biểu Châu Quỳnh Giao thống nhất với việc nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền.
Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.
Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ bằng cách giao quyền chủ động tuyển dụng cho ngành Giáo dục.
Khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ
Trao đổi về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, nếu vẫn giao cho ngành Nội vụ tuyển dụng giáo viên theo số học sinh/lớp thì còn khiến cho những vùng, miền khó khăn không thể tuyển đủ giáo viên các môn học. Thực tế, số lượng học sinh/lớp ở những nơi này thường không thể đông đủ như các thành phố lớn.
Các địa phương không thể lấy biên chế giáo viên của tỉnh này chuyển sang tỉnh khác. Vì vậy, giải pháp giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng giáo viên là hợp lý. Ngành Nội vụ có thể phối hợp với ngành Giáo dục trong tuyển dụng giáo viên ở các địa phương nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tuyển đủ, đảm bảo chất lượng.
Về nội dung này, tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trình bày Báo cáo “Một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo”.
Theo nội dung báo cáo, việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành Giáo dục là cần thiết, vừa đảm bảo tính sát thực của việc tuyển dụng, vừa nâng cao trách nhiệm và tạo điều kiện để ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng, đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
Đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.
Cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện hoặc chủ trì tham mưu việc phân cấp tuyển dụng; cơ sở giáo dục ngoài công lập tự chủ thực hiện tuyển dụng theo quy chế tổ chức hoạt động của mình (khoản 2 Điều 14).
Việc chỉnh lý như trên khẳng định được vai trò, trách nhiệm chủ trì tham mưu của cơ quan quản lý giáo dục; bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động.
Minh Phong