Cần thiết phải có 'cú đấm thép'

Cần thiết phải có 'cú đấm thép'
một giờ trướcBài gốc
Bài học kinh nghiệm từ Bắc Ninh cho thấy, đã đến lúc cần những biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết triệt để vấn đề này.
Nỗi buồn làng nghề và “cú đấm thép” của tỉnh Bắc Ninh
Làng nghề truyền thống là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn. Song, nhiều làng nghề hiện nay đang trở thành những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường. Từ nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông ngòi, đến khói bụi, khí thải độc hại phát sinh từ các lò đốt, lò nung thủ công, tất cả đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân và môi trường xung quanh. Riêng tại Hà Nội, nơi có tới 806 làng nghề đang hoạt động, trong đó hơn 230 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, vấn đề ô nhiễm càng trở nên cấp bách. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho thấy có tới 46% số làng nghề bị ô nhiễm nặng do nước thải sản xuất xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. Mặc dù thực trạng ô nhiễm đã được cảnh báo từ lâu, nhưng nhiều làng nghề vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả.
Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nhiều yếu tố đan xen. Trước hết, nguồn lực tài chính để đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại còn rất hạn chế. Hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề đều có quy mô nhỏ, vốn ít, không đủ khả năng đầu tư công nghệ mới.
Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất tại các làng nghề vẫn chủ yếu là thủ công, lạc hậu, chưa có sự đổi mới phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường. Việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải cũng gặp nhiều khó khăn do tính chất đa dạng và phức tạp của loại hình sản xuất. Mỗi làng nghề lại phát sinh loại chất thải khác nhau, từ kim loại nặng, hóa chất đến bụi than, khiến việc xử lý trở nên phức tạp và tốn kém. Một điểm nghẽn lớn nữa là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán trong không gian chật hẹp của các làng nghề.
Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc xây dựng hệ thống xử lý tập trung mà còn làm tăng nguy cơ ô nhiễm lan rộng. Nhiều làng nghề nằm xen kẽ trong khu dân cư, không có mặt bằng để xây dựng khu xử lý riêng biệt. Theo các chuyên gia môi trường, việc quy hoạch lại các làng nghề theo hướng tập trung và hiện đại hóa là rất cần thiết, nhưng đây là bài toán không dễ giải quyết vì liên quan đến quyền lợi, sinh kế của người dân.
Trước thực trạng trên, một địa phương đã có những bước đi mạnh dạn trên con đường xử lý dứt điểm ô nhiễm làng nghề, đó chính là tỉnh Bắc Ninh. Thời gian qua, Bắc Ninh đã có những động thái mạnh mẽ, được ví như “cú đấm thép” trong xử lý ô nhiễm làng nghề. Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án tổng thể về bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt chú trọng xử lý ô nhiễm tại các điểm nóng như làng nghề Phong Khê, Đại Bái, Văn Môn.
Với chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, tỉnh Bắc Ninh triển khai các đề án “Tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh 2019 - 2025”, “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, giai đoạn 2022 - 2030” và “Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022 - 2026”. Trong đó, nhấn mạnh tinh thần “không châm chước, không thỏa hiệp, không có vùng cấm”. Những động thái quyết liệt này không chỉ mang lại kết quả tích cực mà còn trở thành hình mẫu cho các địa phương khác.
Trong năm 2024, Bắc Ninh đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm môi trường tại các làng nghề, trong đó có nhiều vụ xử lý hình sự và đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Điển hình là làng nghề đúc nhôm Mẫn Xá, nơi từng là điểm nóng ô nhiễm, đã đóng cửa toàn bộ 207 hộ sản xuất, phá dỡ hàng trăm ống khói, lò đốt gây ô nhiễm. Các chốt kiểm tra, tuần tra 24/24h được duy trì nhằm ngăn chặn việc vận chuyển và đổ trộm chất thải. Bắc Ninh cũng chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng, tuyên truyền vận động người dân tự giác tháo dỡ máy móc vi phạm, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý môi trường để tránh bao che, tiếp tay cho vi phạm.
Đã đến lúc cần “luật chơi mới” cho làng nghề
Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và DN trong việc bảo vệ môi trường
Bài học kinh nghiệm từ Bắc Ninh cho thấy, để xử lý hiệu quả ô nhiễm làng nghề, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự chung tay của cộng đồng DN và người dân. Cần thiết phải áp dụng “cú đấm thép” – những biện pháp mạnh tay, không khoan nhượng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo các chuyên gia, để giải bài toán ô nhiễm tại các làng nghề, chỉ chờ và các khuyến nghị hay tuyên truyền là chưa đủ. Cần có khung pháp lý chặt chẽ hơn, chế tài mạnh tay hơn và sự phối hợp liên ngành đồng bộ giữa môi trường, công thương, xây dựng và chính quyền địa phương. Bên cạnh việc xử phạt, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư công nghệ sạch, sản xuất thân thiện với môi trường. Cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các làng nghề. Quan trọng hơn cả là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và DN trong việc bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường cần được thực hiện thường xuyên, sâu rộng đến từng người dân, từng DN.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng nhận định, hiện nay, cơ chế chính sách phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường là chưa đủ. Bên cạnh đó, nguồn lực của Nhà nước dành cho vấn đề này chưa bảo đảm. Do đó, cần phải xã hội hóa nguồn lực giúp các làng nghề hạn chế ô nhiễm. “Tuy nhiên, chúng ta lưu ý để hài hòa lợi ích, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó, phải có các đầu tư nguồn lực, có các giải pháp công nghệ để thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề nhằm hạn chế ô nhiễm” – PGS.TS Bùi Thị An cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, trong khi Bắc Ninh sử dụng các biện pháp hành chính mạnh mẽ, Hà Nội cũng có thể tận dụng Luật Thủ đô 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), để giải quyết ô nhiễm làng nghề. Luật này, thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhấn mạnh phát triển bền vững, bảo đảm không gian xanh và giảm áp lực môi trường. Điểm c, Khoản 2 Điều 28 của Luật Thủ đô khuyến khích di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư và làng nghề nông thôn, hạn chế ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư Hà Nội, phân tích: “Luật Thủ đô tạo khung pháp lý thuận lợi để các địa phương phát triển cụm công nghiệp, đưa các cơ sở sản xuất vào khu vực tập trung, giảm thiểu tác động môi trường”.
Theo chuyên gia pháp lý này, với Luật Thủ đô cùng nhiều chủ trương, chính sách quyết liệt, thể hiện quyết tâm của chính quyền TP trong việc cải thiện môi trường trong thời gian vừa qua, Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để giải quyết bài toán ô nhiễm làng nghề nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung trong thời gian tới.
Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân và chủ cơ sở sản xuất cũng còn hạn chế. Nhiều người vẫn xem việc xả thải chưa qua xử lý là điều tất yếu, không nhận thức đầy đủ về tác hại lâu dài. Một số hộ còn cố tình vi phạm để giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên và chưa nghiêm, nhiều nơi còn buông lỏng quản lý, chưa xử lý triệt để các vi phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả xử lý chưa cao. Đây cũng là những nguyên nhân góp phần khiến vấn đề ô nhiễm làng nghề vẫn luôn nhức nhối trong thời gian qua.
Nguyễn Quý
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/can-thiet-phai-co-cu-dam-thep.711033.html