Luật hóa những quy định đã chứng minh hiệu quả
Nhấn mạnh việc Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, hoạt động ngân hàng vốn gắn với rủi ro, việc phát sinh nợ xấu là điều không thể tránh khỏi. Do đó, xử lý nợ xấu là công việc mang tính thường xuyên, nhằm đảm bảo sự luân chuyển vốn thuận lợi cho nền kinh tế.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)
Theo đại biểu, hiện nay nợ xấu của hệ thống tín dụng vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lớn cho lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Việc luật hóa 3 quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 (quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm, hoàn trả vật chứng của vụ án hình sự) là vô cùng cấp thiết để bảo đảm cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định nhằm gia tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều đại biểu trong thảo luận tại tổ đồng tình rằng việc đưa vào luật các quy định như thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản trong vụ án hình sự hoặc vi phạm hành chính, hoàn trả vật chứng… là những đột phá thể chế quan trọng.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá, quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm không phải là mới mà đã được thí điểm hiệu quả trong Nghị quyết 42 và các văn bản dưới luật trước đó. Việc luật hóa toàn bộ quy định tại Điều 7 của Nghị quyết 42 sau khi điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc)
Do đó đại biểu nhất trí với việc quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm tại dự thảo Luật nhằm bảo đảm việc thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát, chứng kiến của cơ quan có thẩm quyền, tránh việc bên thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm lạm dụng quyền của mình. Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nhấn mạnh, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý này sẽ có những tác động tích cực tới nền kinh tế, như gia tăng khả năng xoay vòng vốn cũng như tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý.
Đồng thời, đánh giá cao các quy định về kê biên tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, tang vật, phương tiện trong vụ việc vi phạm hành chính cũng là những đột phá về thể chế, bởi điều này thể hiện sự tôn trọng giá trị pháp lý của các giao dịch đã phát sinh hiệu lực. Đây là nền tảng để các ngân hàng yên tâm thực hiện chức năng trung gian tài chính huy động vốn trong dân cư, phục vụ phát triển kinh tế.
Đảm bảo nguyên tắc “có vay có trả”
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh, luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm không phải là hành động “ưu ái” ngành Ngân hàng, mà là bảo vệ nguyên tắc “có vay có trả” và lợi ích của người gửi tiền - những người chịu tác động trực tiếp khi tổ chức tín dụng không thu hồi được nợ.
“Bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức tín dụng cũng có nghĩa là bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, cũng như lợi ích của nhà nước. Hơn nữa, người đi vay, người bảo lãnh phải nhận thức đầy đủ khi dùng tài sản của mình để thế chấp, bởi vì nguyên tắc cao nhất là có vay phải có trả. Khi chúng ta có quan điểm rõ ràng về chuyện này, không có nguồn nào để trả nợ thì phải chấp nhận cho tổ chức tín dụng thu hồi tài sản bảo đảm. Trong trường hợp được pháp luật bảo vệ như vậy, người có tài sản bảo đảm nhận thức được thì họ không chây ì trong chuyện trả nợ, như vậy cũng tránh được các thủ tục tố tụng, cũng như không mất thời gian cho việc thi hành án. Khi tổ chức tín dụng thu hồi được nợ xấu thì không phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, như vậy sẽ có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay”, đại biểu Phạm Đức Ấn nói.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Quảng Ninh)
Cũng theo đại biểu này, việc tổ chức tín dụng thu hồi được nợ xấu cũng đồng nghĩa với việc giảm trích lập dự phòng rủi ro, từ đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay - yếu tố then chốt giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lành mạnh.
Liên quan đến quy định về sửa đổi thẩm quyền cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ sang NHNN, đa số đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao.
Hiện thẩm quyền quyết định vấn đề trên thuộc Thủ tướng Chính phủ, thực tiễn cho thấy quy định này phát sinh thêm thủ tục, kéo dài thời gian. Trong khi đó, quyết định can thiệp cần đưa ra nhanh chóng, kịp thời để tránh những bất ổn trên thị trường, đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, thông thường các ngân hàng trong trường hợp phải vay đặc biệt rất khó khăn về tài sản đảm bảo và tình hình tài chính rất xấu, thời gian hỗ trợ phải kéo dài, không có khả năng trả lãi. Vì vậy, cho vay đặc biệt lãi suất 0%/năm, không có tài sản đảm bảo có thể giúp tổ chức tín dụng đó sớm ổn định để quay lại hoạt động bình thường. Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, bên cạnh phân quyền cho NHNN cũng cần bổ sung quy định để tăng trách nhiệm cho NHNN.
LĐ