Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (gọi tắt là dự án Bệnh viện Ung bướu), tọa lạc tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, được kỳ vọng trở thành bệnh viện ung bướu lớn nhất, hiện đại nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và sẽ giải quyết tình trạng quá tải cho Bệnh viện Ung bướu hiện hữu.
Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có quy mô 500 giường.
Dự án Bệnh viện Ung bướu do Sở Y tế Cần Thơ làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 15.400m2 với quy mô 500 giường. Trong tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, hơn 80% từ nguồn vay ODA của Chính phủ Hungary, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Dự án được khởi công vào tháng 10/2017, dự kiến hoàn thành sau 3 năm (cuối năm 2020).
Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai, tiến độ dự án rất chậm, chỉ đạt tiến độ hơn 21% giá trị khối lượng hợp đồng Tổng thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công). Trong đó, hạng mục xây dựng đạt 82%, hạng mục cung cấp và lắp đặt thiết bị xây dựng hoàn thành hơn 16%. Do vướng mắc về việc điều chỉnh các trang thiết bị y tế, hạng mục cung cấp và lắp đặt chưa thực hiện được. Hợp đồng giữa Sở Y tế Cần Thơ và liên danh nhà thầu hết hiệu lực từ ngày 10/7/2022. Hiệp định vay của dự án ký kết lần hai giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary cũng hết hiệu lực ngày 11/7/2022. Vì thế dự án này “đắp chiếu” suốt hơn 2 năm qua.
"Đắp chiếu" hơn 2 năm qua, Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có dấu hiệu xuống cấp, lãng phí.
Trong khi đó, Bệnh viện Ung bướu hiện hữu tại Cần Thơ đã rơi vào tình trạng quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng nghìn bệnh nhân. Nhiều người bệnh ở khu vực miền Tây phải chuyển lên TP. Hồ Chí Minh để điều trị, tốn kém cả thời gian lẫn chi phí đi lại.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một bệnh nhân ung thư ở Sóc Trăng đang điều trị tại bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Tôi phải lên TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh vì ở quê không có đủ thiết bị điều trị. Mỗi lần đi lại rất tốn kém, từ tiền xe, tiền ăn ở đến chi phí khám bệnh, chưa kể sức khỏe yếu nên việc đi xa rất cực khổ. Nếu bệnh viện mới xây xong, chắc chắn chúng tôi đỡ khổ biết bao nhiêu.”
Không chỉ chị Hạnh, nhiều bệnh nhân khác tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Lê Văn Minh, 65 tuổi, quê ở Bạc Liêu, nói: “Tôi già rồi, đi TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh rất mệt. Mỗi lần đi là mất cả ngày đường, chờ đợi lâu mà còn chen chúc. Nếu Cần Thơ có bệnh viện hiện đại thì đỡ biết bao nhiêu, vừa gần nhà, vừa đỡ được chi phí.”
Ông Hoàng Quốc Cường - Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ thông tin về Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Ảnh: Báo Tiền Phong
Liên quan đến tiến độ dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, tại phiên chất vấn HĐND TP. Cần Thơ diễn ra ngày 11/12, ông Hoàng Quốc Cường - Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, trong 2 năm qua, thành phố đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành và Chính phủ về dự án này.
Đến ngày 15/7/2024, khi đó Chính phủ có kế hoạch cho chủ trương thực hiện tiếp Dự án Bệnh viện Ung bướu theo hợp đồng EPC (tổng thầu), với giá trị không thay đổi. Sau ngày 15/7, Sở Y tế thực hiện theo chỉ đạo này và đã làm việc với các nhà thầu để thống nhất danh mục trang thiết bị y tế.
Ngày 8/11 vừa qua, UBND TP. Cần Thơ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất 4 nội dung điều chỉnh: Gia hạn thời gian hoàn thành dự án bệnh viện tới cuối năm 2027; thay vốn ODA bằng vốn trong nước (do trung ương hỗ trợ); điều chỉnh các danh mục, thiết bị y tế và vật liệu xây dựng; điều chỉnh khối lượng phát sinh.
“Hiện Văn phòng Chính phủ đang trình Phó Thủ tướng có chỉ đạo, chủ yếu về nguồn vốn để thực hiện tiếp dự án. Sở Y tế đã tham mưu Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND thành phố và Hội đồng thẩm định để điều chỉnh chủ trương thực hiện dự án. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp vốn, chúng tôi sẽ triển khai lại dự án bệnh viện trong thời gian sớm nhất”, ông Cường thông tin.
Việc tái khởi động Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ phụ thuộc lớn vào nguồn vốn thay thế và quyết tâm từ phía chính quyền địa phương. Với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, người dân kỳ vọng dự án sẽ được “hồi sinh” và sớm hoàn thành để phục vụ nhu cầu cấp thiết của người bệnh trong khu vực.
Trong bối cảnh hệ thống y tế miền Tây còn nhiều hạn chế, Dự án Bệnh viện Ung bướu không chỉ mang tính chất giải quyết tình trạng quá tải mà còn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại ngay tại địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ là một trong những dự án được “điểm tên” trong Công điện 112 ngày 6/11 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng, chống lãng phí, thất thoát.
Trước đó, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ là bệnh viện trung tâm cho cả vùng. Hiện người bệnh phải lên TP. Hồ Chí Minh điều trị, chi phí ăn ở, đi lại rất tốn kém. Do đó, các đồng chí lãnh đạo thành phố tiếp tục triển khai dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ bằng nguồn vốn trong nước, với tinh thần khó mấy cũng phải làm”.
Ngân Nga