Nhiều căn nhà đã được xây mới, sửa chữa, bàn giao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Cần Thơ.
Vượt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ (cũ), Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP Cần Thơ những năm qua đã gặt hái nhiều thành công đáng kể, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng nghìn gia đình.
Nguồn lực thực hiện chương trình được huy động đa dạng, từ ngân sách Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp đến sự chủ động của chính người dân. Đặc biệt, HĐND thành phố đã ban hành 3 Nghị quyết quan trọng, tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ thiết thực.
Kết quả thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy, đến đầu năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của Cần Thơ đã giảm xuống chỉ còn 0,09% (tương đương 350 hộ), vượt mục tiêu 0,15% đề ra cho cả giai đoạn.
Thành phố đã tích cực triển khai hàng loạt hoạt động hỗ trợ cụ thể. Trong đó, hơn 2.283 căn nhà đại đoàn kết được xây dựng và bàn giao cho hộ nghèo, cận nghèo (vượt 108,25% chỉ tiêu kế hoạch).
Tổ chức 94 lớp đào tạo nghề cho 2.910 người, trong đó có 585 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mở ra cơ hội việc làm và thu nhập ổn định; trợ giúp hàng chục nghìn lượt hộ vay tiền để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đòn bẩy kinh tế cho người dân.
Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đã giúp đỡ được hơn 52.500 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Cấp 21.999 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đạt 100% đối tượng cần hỗ trợ, đảm bảo an sinh sức khỏe.
Chỉ riêng trong năm 2024, quận Ô Môn (nay là phường Ô Môn, TP Cần Thơ) đã vận động xây dựng và sửa chữa 62 căn nhà, cấp 4.957 thẻ bảo hiểm và hỗ trợ 95 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay trên 3,3 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2024, Ô Môn hỗ trợ 95 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay trên 3,3 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (Ô Môn, Cần Thơ) chia sẻ, chị được Chi hội Phụ nữ hỗ trợ vay 30 triệu đồng và đã mạnh dạn nuôi 30 con dê thịt. Bằng cách tận dụng bã tàu hủ, cắt cỏ, hái rau làm thức ăn cho dê, chị tiết kiệm được chi phí đáng kể.
Với việc bán dê giống (1,5 triệu đồng/con) và dê thịt (100.000 đồng/kg), chị có thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, chị còn tận dụng nguồn phân dê để bón 1 công vườn ổi lê, thu hoạch khoảng 300kg ổi mỗi tuần. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị đã ổn định và vươn lên.
Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,05%
Với những thành quả đã đạt được, TP Cần Thơ tiếp tục đặt ra mục tiêu cho cuối năm 2025. Dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố sẽ giảm còn 0,05% (tương đương 187 hộ); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo xuống còn 0,96% (tương đương 3.556 hộ) và giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 0,20% so với hộ dân tộc thiểu số (tương đương 20 hộ).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, TP Cần Thơ xác định sẽ triển khai đồng bộ và hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững.
Trọng tâm là thực hiện hiệu quả Nghị quyết của HĐND thành phố, quy định chính sách hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025 về sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Các phong trào xã hội ý nghĩa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ khó khăn.
TP Cần Thơ sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng để đảm bảo nguồn lực tài chính vững mạnh cho các chương trình giảm nghèo. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ tín dụng để hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, mua bán nhỏ, tăng thu nhập.
Thành phố cũng hướng đến việc đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để thoát nghèo bền vững.
TP Cần Thơ sẽ nỗ lực đa dạng hóa và nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo hiệu quả, giải quyết việc làm tại chỗ; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ kinh doanh, để ngày càng nhiều hộ nghèo được tham gia các mô hình này, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Yến Phương