Cần Thơ: Nhiều đèn tín hiệu nhấp nháy vàng, người dân không dám vượt

Cần Thơ: Nhiều đèn tín hiệu nhấp nháy vàng, người dân không dám vượt
4 giờ trướcBài gốc
Loay hoay với đèn vàng nhấp nháy
Hệ thống đèn tín hiệu duy trì chế độ đèn vàng nhấp nháy tại nút giao Đại lộ Hòa Bình - Đề Thám vào trưa 8/1.
Khi thấy đèn vàng nhấp nháy, các tài xế không dám điều khiển phương tiện lưu thông qua nút giao vì lo sợ mức phạt của Nghị định 168 đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Theo chia sẻ của người dân, hệ thống đèn vàng nhấp nháy trong thời gian khoảng 30 phút, từ đó đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến.
Trước tình hình trên, ngành chức năng đã cho tắt hệ thống đèn tín hiệu tại nút giao này.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Cần Thơ cho biết, việc đèn tín hiệu giao thông tại đây bật chế độ đèn vàng nhấp nháy là nhằm tạo điều kiện cho các phương tiện thi công đường hoa nghệ thuật mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
"Từ ngày 7/1, nhà thầu thực hiện việc rào chắn để tổ chức lắp đặt đường hoa trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học. Từ đó, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch đã đề nghị Ban điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông tại khu vực", ông Ngoan lý giải.
Đi thế nào cho đúng?
Theo khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, đèn tín hiệu có ba màu. Trong đó, tín hiệu đèn màu xanh là được đi; tín hiệu màu đỏ là cấm đi.
Phương tiện trên đường Đại lộ Hòa Bình nối đuôi nhau không dám vượt đèn chớp vàng.
Còn khi tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp.
Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.
Trên thực tế, tại nhiều giao lộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ hệ thống đèn tín hiệu loại ba màu (màu xanh, màu vàng, màu đỏ) thường được bật và duy trì chế độ màu vàng nhấp nháy và duy trì ở một số khung giờ cố định.
Điển hình như nút giao Lê Bình - Phạm Hùng (quận Cái Răng) duy trì đèn vàng nhấp nháy 24/24; 3 Tháng 2 - Đại học Cần Thơ (sau 22 giờ)...
Kể từ khi Nghị định 168 chính thức có hiệu lực với mức phạt cao cho hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, một số người tham gia giao thông quan ngại khi thấy đèn chớp vàng, không dám lưu thông qua.
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Cần Thơ, tại một số nút giao trên địa bàn trong đó có các nút giao nói trên, do mật độ phương tiện, cũng như tính chất đặc thù của từng nút giao, Ban và đơn vị quản lý tuyến bố trí những khung giờ cao điểm ban ngày và sau 22 giờ sẽ cho bật và duy trì chế độ đèn vàng nhấp nháy là có chủ đích nhằm cảnh báo giao thông.
"Chúng tôi khẳng định, đèn tín hiệu giao thông loại màu vàng và hệ thống đèn ba màu khi bật và duy trì ở chế độ màu vàng là nhằm mục đích cảnh báo giao thông, người tham gia giao thông vẫn lưu thông bình thường không bị xử phạt.
Tuy nhiên, phải tuân thủ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đó là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ qua khu vực này phải chú ý quan sát, giảm tốc độ. Trường hợp có người đi bộ, hoặc các phương tiện khác qua đường thì phải dừng lại hoặc nhường đường, khi người và phương tiện sang đường thì lưu thông tiếp", Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Cần Thơ khuyến cáo.
Nghị định 168 thay thế Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Điểm đáng chú ý trong Nghị định 168 đó là tăng nặng gấp nhiều lần so với hai Nghị định trước đó. Đơn cử như hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Cụ thể, theo điểm b khoản 9 Điều 6 Nghị định 168, người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị xử phạt từ 18-20 triệu đồng.
Trong khi đó, Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123) mức phạt ở hành vi vi phạm này chỉ từ là từ 4-6 triệu đồng.
Theo điểm c khoản 7 Điều 7 Nghị định 168, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị xử phạt từ 5-6 triệu đồng.
Trước đó, hành vi vi phạm này chỉ bị mức phạt hành vi này là từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Ngoài ra, theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mới, người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm này còn bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Chỉ sau hơn một tuần áp dụng Nghị định mới để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tại một số nơi, tình trạng vi phạm các quy định khi tham gia giao thông chuyển biến rõ rệt.
Theo đó, các hành vi vi phạm thường thấy như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...giảm rõ rệt.
Đây là một trong những minh chứng khẳng định, mức phạt nặng của Nghị định 168 đã đủ sức để răn đe, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, góp phần trong việc kéo giảm tai nạn giao thông.
Lê An
Nguồn ATGT : https://atgt.baogiaothong.vn/can-tho-nhieu-den-tin-hieu-nhap-nhay-vang-nguoi-dan-khong-dam-vuot-192250110184019743.htm