Sáng 5/7, ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu CĐT-XL02 Cần Thơ thuộc Công ty Cổ phần 873 - Xây dựng công trình giao thông (đơn vị thi công cầu Ô Môn) cho biết, đã phá dỡ cầu Ô Môn cũ trên tuyến quốc lộ 91, thuộc phường Ô Môn, TP Cần Thơ theo kế hoạch.
Trên công trường phá dỡ cầu Ô Môn có bốn xe cuốc, hai cần cẩu, hai sà lan và một xe ben cùng 10 công nhân kỹ thuật làm việc.
Từ sáng sớm, các phương tiện cơ giới, thiết bị chuyên dùng cho việc thi công phá dỡ cầu đã được tập kết đến hiện trường. Trên công trường có bốn xe cuốc, hai cần cẩu, hai sà lan và một xe ben cùng 10 công nhân kỹ thuật làm việc. Trong đó, hai xe cuốc làm nhiệm vụ đục phá bê tông mặt cầu, hai xe cuốc còn lại bốc dỡ, thu gom bê tông vỡ, xà bần của công trình đưa lên xe ben vận chuyển đến nơi tập kết theo quy định.
Ông Nguyễn Khắc Dũng - đại diện đơn vị thực hiện phá dỡ cầu Ô Môn cho biết, theo phương án phá dỡ được phê duyệt, các thiết bị sẽ tập trung đục phá toàn bê tông nhựa mặt cầu và thu gom vật liệu ra khỏi công trường. Công việc này dự kiến hoàn thành trong vòng ba ngày làm việc nếu thời tiết thuận lợi.
"Sau đó, chúng tôi tiến hành cắt cáp kết nối giữa các dầm bê tông, tách dầm để tiến hành cẩu dầm nguyên khối, rồi đến phá các trụ cầu, mố cầu, sau cùng là phá cọc. Tuy nhiên, khó khăn nhất là phần phá trụ, cọc cầu cũ vì có rất nhiều cọc bê tông và cả cọc gỗ cũ bên dưới sông. Ngoài ra, còn có một nhịp cầu bê tông cũ bị sập đã nằm dưới đáy sông này rất lâu nên đơn vị phải tiến hành trục vớt", ông Nguyễn Khắc Dũng nói.
Xe cuốc đang đục phá mặt bê tông nhựa cầu Ô Môn.
Theo ông Dũng, các phần việc ban đầu của việc phá dỡ cầu Ô Môn cơ bản thuận lợi vì đã được phân luồng, điều tiết các phương tiện giao thông đường bộ bằng cầu tạm, không xảy ùn tắc giao thông. Còn dưới sông cũng đã lập trạm điều tiết ở hai đầu khu vực công trường, kết hợp phao phân luồng để các ghe tàu đi đúng luồng tuyến. Thuận lợi hơn là sông Ô Môn cũng không có mật độ phương tiện thủy quá lớn, ít có ghe tàu trọng tải lớn lưu thông nên không quá áp lực.
"Để hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc phá dỡ chúng tôi cần khoảng 30 ngày", ông Dũng khẳng định.
Cầu Ô Môn mới có tổng giá trị 135,7 tỷ đồng thuộc công trình cầu đường bộ, cấp III, có khổ thông thuyền 30 x 6m, mặt cầu rộng 12m gồm 7 nhịp, tĩnh không 3,5m.
Công trình được xây dựng trên tuyến quốc lộ 9 thuộc gói thầu CĐT-XL02 xây dựng mới năm cầu trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, thuộc dự án Nâng tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) do Ban Quản lý dự án Hàng hải và Đường thủy làm chủ đầu tư.
Để đảm bảo an toàn giao thông và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thi công cầu Ô Môn, Ban Quản lý dự án Hàng hải và Đường thủy đã phát đi thông báo về việc tổ chức phân luồng giao thông bằng cầu tạm Ô Môn từ ngày 30/6 - 31/12/2025.
Cầu tạm Ô Môn được xây dựng cặp bên cầu Ô Môn hiện hữu, bằng kết cấu sắt với 7 nhịp, độ rộng, độ cao tĩnh không tương đương với cầu Ô Môn hiện hữu, đảm bảo điều tiết lưu thông hai chiều.
Theo đó, các phương tiện khi lưu thông qua khu vực thi công cầu Ô Môn phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của lực lượng điều tiết được bố trí tổ chức phân luồng tại hiện trường và chỉ dẫn của các biển hiệu đường bộ.
Đơn vị thi công có trách nhiệm triển khai đúng phương án đảm bảo an toàn giao thông đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng cầu, đường tạm và hệ thống biển hiệu phân luồng giao thông để các phương tiện nhận biết; hai đầu công trình phải bố trí người cảnh giới, hướng dẫn điều tiết giao thông, báo hiệu, rào chắn, hàng rào tôn che chắn khu vực thi công phải chắc chắn ổn định. Đồng thời bố trí đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng vào ban đêm qua khu vực công trình.
Một số hình ảnh ghi nhận tại công trường phá dỡ cầu Ô Môn sáng nay:
Xe cuốc tiến hành đục phá bê tông mặt cầu.
Cận cảnh mũi khoan đục phá vỡ bê tông mặt cầu Ô Môn cũ.
Bê tông nhựa mặt cầu bị phá vỡ.
Sau đó được xe cuốc bốc dỡ, thu gom bê tông nhựa, xà bần lên xe ben chở đến nơi tập kết theo quy định.
Các phần việc ban đầu của việc phá dỡ cầu Ô Môn cơ bản thuận lợi vì đã được phân luồng, điều tiết các phương tiện giao thông đường bộ bằng cầu tạm, không xảy ùn tắc giao thông.
Dưới sông Ô Môn cũng đã lập trạm điều tiết ở hai đầu khu vực công trường, kết hợp phao phân luồng để các ghe tàu đi đúng luồng tuyến.
Quốc Dũng