Nghi thức Lễ khởi công xây dựng 60 căn nhà nhân ái trong năm 2024.
UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Tiêu chí để xác định nhà tạm, nhà dột nát theo quy định tại Quyết định số 55/QĐ-BXD ngày 20/01/2025 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát.
Đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thiếu hụt về nhà ở, đủ điều kiện để xây dựng, sửa chữa nhà đã được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt tại Quyết định số 2969/QĐ-UBND ngày 20/12/2024 về phê duyệt số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công với cách mạng đủ điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà, thực hiện Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đồng thời, đáp ứng đủ điều kiện theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 55/QĐ-BXD ngày 20/01/2025 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
UBND quận, huyện tiếp tục thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đủ điều kiện để xây dựng, sửa chữa nhà, báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt hỗ trợ. Mức kinh phí hỗ trợ nhà xây mới là 60 triệu đồng/hộ và sửa chữa 30 triệu đồng/hộ.
Quy trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố Cần Thơ là trên cơ sở Quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ, UBND quận, huyện chỉ đạo thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn bằng một trong hai hình thức: Cấp kinh phí cho các đối tượng thụ hưởng tự thực hiện xây mới/sửa chữa; Chủ hộ tự xây dựng phải đảm bảo đúng thiết kế, chất lượng và thời gian quy định. UBND xã, phường, thị trấn thực hiện hợp đồng với thi công xây dựng/sửa chữa; Xây dựng dự toán thi công (bao gồm: Bảng phân tích khối lượng, bảng phân tích đơn giá nhân công, máy thi công, bảng phân tích vật tư).
Việc lựa chọn nhà thầu thi công phải có kinh nghiệm, có khả năng về tài chính, uy tín, đủ tư cách pháp nhân theo quy định, đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình.
Trong quá trình thi công, UBND xã, phường, thị trấn giao Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức giám sát công trình, thường xuyên theo dõi kiểm tra, giám sát và có ý kiến đối với đơn vị thi công đảm bảo chất lượng và đúng theo thiết kế nhà. Tăng cường huy động các lực lượng tham gia ngày công để giảm chi phí này, danh phần tiết kiệm để tăng đầu tư cho công việc khác (bảo đảm điện, nước, nhà vệ sinh, trang trí nội thất…).
Khi có biên bản xác nhận UBND xã, phường, thị trấn về ngày khởi công, ngày hoàn thành, đối tượng thụ hưởng xây dựng/sửa chữa nhà; ngân sách sẽ tạm ứng cho đối tượng thụ hưởng hoặc đơn vị thi công từ 50% giá trị xây dựng/sửa chữa nhà.
Sau khi thực hiện xong xây dựng mới/sửa chữa, UBND xã, phường, thị trấn, tổ chức nghiệm thu công trình, lập biên bản nghiệm thu nhà và giao cho đối tượng thụ hưởng; đồng thời lập danh sách đề nghị UBND quận, huyện ban hành quyết định hỗ trợ, xem đây là một trong những thành phần hồ sơ quyết toán.
Thực hiện thanh lý hợp đồng với đơn vị thi công. Đơn vị thi công có trách nhiệm cung cấp chứng từ, hóa đơn vật tư xây dựng kèm theo để quyết toán theo quy định. Đồng thời đơn vị thi công phải bảo hành công trình trong thời hạn 12 tháng. Đối với trường hợp do chủ hộ tự xây dựng thì tự chịu trách nhiệm về chất lượng công trình.
UBND quận, huyện tổng hợp báo cáo kết quả kinh phí thực hiện việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ; đồng thời tổng hợp quyết toán ngân sách quận, huyện trong năm.
Nguồn kinh phí hỗ trợ là từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 được chuyển sang năm 2025. Trường hợp quận, huyện không đủ kinh phí thực hiện, sẽ điều chuyển kinh phí còn thừa của các quận, huyện khác để đảm bảo hỗ trợ cho tất cả các đối tượng thụ hưởng theo danh sách đã được phê duyệt.
Nhà tạm cần xây mới, sửa chữa lại.
Trước đó, ngày 20/12/2024, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 2969/QĐ-UBND phê duyệt số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công với cách mạng đủ điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà, thực hiện Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Trong đó, xây mới 371 căn, với 60 triệu/căn, kinh phí hơn 22,26 tỷ đồng; Sửa chữa 160 căn, với 30 triệu căn, kinh phí 4,8 tỷ đồng. Tổng cộng 27 tỷ đồng.
Kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024. Theo báo cáo của Sở Tài chính nguồn kinh phí này còn khoảng 43 tỷ đồng; Nhu cầu xây dựng mới và sửa chữa nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được phê duyệt: Xây mới 331 căn, với kinh phí 19,86 tỷ đồng; Sửa chữa 75 căn, kinh phí 2,25 tỷ đồng. Tổng cộng 22,11 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ người có công với cách mạng là 4,95 tỷ đồng, trong đó, xây mới 40 căn, kinh phí 2,4 tỷ đồng, sửa chữa 85 căn, kinh phí 2,55 tỷ đồng.
Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát thành phố Cần Thơ cho biết, nhiệm vụ năm 2025 tiếp tục rà soát nhu cầu hỗ trợ nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở để hỗ trợ kịp thời. Các ngành, các cấp phấn đấu hết tháng 9 năm 2025, thành phố Cần Thơ cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công với cách mạng, nhằm kịp thời lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Huỳnh Biển