Cần Thơ quyết tháo gỡ vướng mắc, tái khởi động Bệnh viện Ung bướu đang 'đắp chiếu'

Cần Thơ quyết tháo gỡ vướng mắc, tái khởi động Bệnh viện Ung bướu đang 'đắp chiếu'
7 ngày trướcBài gốc
Ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu - Ảnh: V.K.K
Đầu tháng 4.2025, lãnh đạo TP.Cần Thơ có chuyến thị sát công trình Bệnh viện Ung bướu đang được xây dựng dang dở. Qua khảo sát, lãnh đạo TP có kế hoạch khởi động lại dự án phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo, ông Trương Cảnh Tuyên cho rằng đây là dự án không chỉ các đại biểu dự họp báo quan tâm, mà 19 triệu người dân ĐBSCL cũng mong đợi. Dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ có ý nghĩa rất lớn với người dân, khi họ khỏi phải đi đến TP.HCM khám và điều trị bệnh.
Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đang xây dựng dang dở - Ảnh: P.L
Theo ông Tuyên, có 2 giải pháp gỡ vướng cho dự án này. Thứ nhất, thành phố đã có văn bản đăng ký làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính để tháo gỡ vướng mắc. Lý do là dự án đang vướng ở chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ODA từ Chính phủ Hungary. Muốn điều chỉnh bằng nguồn vốn trong nước thì bộ phải có ý kiến điều chỉnh của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Giải pháp thứ hai là đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ Cần Thơ 1.300 tỉ đồng để tiếp tục thực hiện đầu tư dự án. Trường hợp không có nguồn này, Cần Thơ sẽ cân đối ngân sách thành phố giai đoạn 2026-2031 để có 1.300 tỉ đồng thực hiện. Theo kế hoạch trên, nếu sớm thì trong năm 2026 sẽ hoàn thành dự án Bệnh viện Ung bướu.
Quang cảnh buổi họp báo - Ảnh: V.K.K
Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có quy mô 500 giường, do Sở Y tế làm chủ đầu tư, được khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hungary gần 1.400 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của thành phố.
Nhiều năm qua, dự án này “đắp chiếu” nên nhiều hạng mục đang xây dựng dở dang bị hư hỏng, trong khi Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ hiện hữu đang xuống cấp và quá tải, không đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh cho người dân TP.Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.
Tại họp báo, ngoài vấn đề Bệnh viện Ung bướu, cơ chế đặc thù cho TP.Cần Thơ khi thực hiện Nghị quyết 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP.Cần Thơ cũng được phóng viên các báo quan tâm.
Theo Nghị quyết 45, Cần Thơ được trao 6 cơ chế, chính sách về quản lý đất đai, quy hoạch, tài chính ngân sách, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho 2 dự án. Tuy nhiên, đến nay thời gian đã 3/5 năm, 6 cơ chế đặc thù chưa được thực hiện nhiều.
TP.Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh
Ông Trương Cảnh Tuyên cho rằng, với Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, UBND TP.Cần Thơ đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, sẽ triển khai khi được phê duyệt. Tuy nhiên, do luồng Định An nằm trên tuyến sông Hậu nhưng liên quan các địa phương như Trà Vinh, Sóc Trăng… nên cũng gặp khó khi triển khai dự án.
Còn dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, UBND thành phố đã phối hợp với bộ ngành chức năng xây dựng đề án, đã trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
UBND TP.Cần Thơ đã phối hợp Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, tham mưu Chính phủ báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 45/2022/QH15, trình Quốc hội. Trên cơ sở đó, thành phố kiến nghị sửa đổi, bổ sung thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn trong tình hình mới.
Văn Kim Khanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/can-tho-quyet-thao-go-vuong-mac-tai-khoi-dong-benh-vien-ung-buou-dang-dap-chieu-231457.html