“Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển TP. Cần Thơ nhanh và bền vững” là chủ đề Diễn đàn Kinh tế thường niên TP. Cần Thơ năm 2024 do Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ phối hợp với các sở, ban ngành thành phố tổ chức vào sáng ngày 15/11.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế thường niên TP. Cần Thơ năm 2024
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ, Diễn đàn được kỳ vọng nhận diện được các điểm nghẽn trong môi trường đầu tư, kinh doanh của TP. Cần Thơ từ góc nhìn chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, tìm ra các giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn để tháo gỡ kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như đề xuất được giải pháp thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược và triển khai hiệu quả các dự án trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, thành phố được nhiều nhà đầu tư đánh giá là có nhiều tiềm năng nhờ vị trí địa lý và hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện. Trung ương đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai, như: Tuyến cao tốc theo trục dọc (Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau); trục ngang (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; dự án nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đầu tư trước năm 2030…
Trong những năm qua, TP. Cần Thơ đã và đang nỗ lực phát triển, với mong muốn tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và ổn định. Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố giai đoạn 2021 - 2023 đạt 71.964 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm.
Tỷ lệ tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên GRDP hiện hành đạt khoảng 23 - 24% góp phần cải thiện quy mô nền kinh tế và tăng từ 91.590 tỷ đồng năm 2021 tăng lên 118.491 tỷ đồng ước năm 2023 và 131.904 tỷ đồng ước năm 2024.
Thành phố hiện có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,932 tỷ USD.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc thu hút đầu tư vào thành phố còn chưa đạt được kỳ vọng do: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống đường bộ, cảng và logistics tại Cần Thơ vẫn chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lớn; thủ tục hành chính phức tạp, dù có nhiều nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; cùng với đó là thiếu cơ chế chính sách mang tính đột phá. Vì vậy, thành phố cần xác định những vướng mắc trong thu hút đầu tư để từ đó có các giải pháp tháo gỡ và thu hút đầu tư có hiệu quả.
Tại Diễn đàn, các đại biểu có chung nhận định, TP. Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, thành phố chưa khai thác tốt các lợi thế này trong thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách và thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia.
Ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ phát biểu tại Diễn đàn
Ông Tạ Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ cho rằng, Cần Thơ có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển các khu công nghiệp do có nhiều lợi thế, nhất là về vị trí địa lý trung tâm của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thành phố đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể: nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng lao động vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại, doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao cho các ngành công nghiệp đặc thù. Mặc dù đã có những bước tiến trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng hạ tầng kết nối khu vực và các cảng biển cần được chú trọng phát triển hơn nữa, đặc biệt là các tuyến cao tốc nối liền với các tỉnh lân cận, nâng cao năng lực khai thác cảng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, cung ứng cho thị trường thế giới...
Đặc biệt, ông Bảo nhấn mạnh, một trong những yếu tố cốt lõi thúc đẩy phát triển công nghiệp là sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng, từ khâu cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, đến khâu sản xuất và phân phối, tạo thành cụm liên kết ngành. Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp tại TP. Cần Thơ và kết nối với các tỉnh lân cận vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về sự thiếu hụt của các nguồn cung thượng nguồn và hạn chế về cơ sở tầng, làm giảm tính liên kết và khả năng phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong vùng.
Theo ông Bảo, trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư vào dự án KCN Vĩnh Thạnh - giai đoạn 2 (Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP), Công ty đặt mục tiêu thu hút đầu tư vào các dự án tận dụng kết nối chuỗi cung ứng thượng nguồn giữa KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và hạ nguồn (KCN Vĩnh Thạnh - giai đoạn 2) tại Cần Thơ với các nguyên vật liệu cơ bản được sản xuất tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 và khu vực lân cận như: hóa chất cơ bản, thép, vật liệu xây dựng, hạt nhựa, sản phẩm sau hóa dầu... sẽ được cung ứng nội địa cho các nhà máy hạ nguồn tại KCN Vĩnh Thạnh - giai đoạn 2 (Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP).
“Tuy nhiên, chúng tôi gặp phải những khó khăn trong việc làm thế nào để giúp các nhà đầu tư tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển logistics từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cần Thơ và ngược lại do những hạn chế về hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông cảng biển kết nối giữa hai khu vực. Do đó, để giải quyết bài toán này cũng như tăng cường liên kết vùng và thúc đẩy chuỗi cung ứng thượng nguồn - hạ nguồn giữa các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Công ty dự kiến sẽ đầu tư phát triển trung tâm logistics tập kết, phân phối và trung chuyển hàng hóa từ khu vực Cảng Cái Mép Thị Vải đến các tỉnh ĐBSCL và Campuchia”, ông Tạ Quốc Bảo chia sẻ.
Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam xác định 3 vấn đề mấu chốt điểm nghẽn Cần Thơ cần tháo gỡ là hạ tầng, điều hành chính quyền và thủ tục hành chính
Còn ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ xác định 3 vấn đề mấu chốt điểm nghẽn mà TP. Cần Thơ cần tháo gỡ đó là: Hạ tầng (giao thông, cảng biển/ICD, logistics, hàng không, khu công nghiệp...); điều hành chính quyền (năng lực quản trị, minh bạch, bình đẳng...); thủ tục hành chính (đơn giản, hiệu quả...). Từ đó, ông Lam đề xuất tháo gỡ mắc xích “mấu chốt của mấu chốt” là: Cần “bẻ khóa” về hạ tầng, thành phố dành nguồn lực đầu tư hơn nữa các điểm yếu hạ tầng: Logistic và KCN; cần chính sách “đặc thù” cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư sơ cấp, hạ tầng, chiến lược; cần thay đổi tư duy, quan điểm từ cơ quan quản lý: hiểu doanh nghiệp/nhà đầu tư; bên cạnh đó, cần chương trình xúc tiến tập trung, có chọn lọc và đeo đuổi...
Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, qua Diễn đàn lần này đã mở ra những cách tiếp cận mới trong cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố. Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ giải quyết thấu đáo các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp nêu tại Diễn đàn và trong quá trình thực hiện đầu tư vào thành phố đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và lợi ích của thành phố.
“Tôi tin tưởng với sự quyết tâm của thành phố, sự đồng hành phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, trong thời gian tới, hoạt động thu hút đầu tư và sử dụng vốn đầu tư sẽ đi vào thực chất hơn cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều sâu và chiều rộng”, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.
Trúc Giang