Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng phát biểu Lễ khai mạc.
Tái hiện một thời đi mở đất
Mở đầu Lễ khai mạc là đại cảnh nghệ thuật ca – vũ - kịch khắc họa hành trình thú vị từ thành phố đến các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long rực rỡ muôn sắc của đất trời và con người. Từ dòng sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh mang mạch nguồn của một Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và sáng tạo. Xuôi dòng Cửu Long, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vươn mình theo thời đại, phát triển đa dạng và vững bền với niềm tin tự hào của một nền văn minh sông nước. Chương trình nghệ thuật - Tinh hoa miền sông nước diễn ra hoành tráng với 3 chương:
Chương 1: Cội nguồn và mối duyên sông nước (3 cảnh: Cảnh 1 Mối duyên sông nước; Cảnh 2 Văn hóa nước nổi; Cảnh 3 Chất ngọc đồng bằng):
Nước đã mang đến cho con người cơm no, áo ấm, đồng thời thể hiện bao điều kỳ thú, giữa trời nước nổi mênh mông, cây lúa nổi vượt lên theo nước vô cùng đặc sắc chỉ có riêng ở miền Nam, căn nhà nổi chòng chành vẫn yên bình, các ghe xuồng giăng câu, thả lưới, tôm, cá đầy khoang; trẻ con tung tăng bơi lội, hớn hở chơi đùa trên đồng nước. Những chiếc ghe hàng xuôi ngược, thể hiện cung cách giao thương mới trên sông, rạch, kinh. Cao điểm nhất, nhộn nhịp nhất là sự hình thành chợ nổi, thu hút nhiều nhà vườn, khách thương hồ hội tụ, trao đổi hàng hóa, không khí bán mua nhộn nhịp. Giao thương mở rộng, nhiều sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng cung ứng cho miền Tây. Ngược lại, nơi đây cũng góp phần đưa những “hạt ngọc”, lên đất Gia Định – Sài Gòn - Chợ Lớn. Trở thành con đường lúa gạo và nông sản, liền mạch kinh tế giữa đất Sài Gòn – Gia Định và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong nỗ lực, hàng chục ngàn km kinh được đào mở, đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày thêm trù phú, sung túc với những cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay, vườn xanh hoa trái, tôm cá đầy thuyền, đầy ghe.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu chào mừng Lễ khai mạc.
Chương 2: Hào khí trời Nam (2 cảnh: Cảnh 1 Tiếng thơ đánh giặc; Cảnh 2 Dưới ngọn cờ đỏ thắm): Mạch nguồn xứ sở đã nuôi dưỡng đất đai, sông nước Nam bộ đã chứng kiến và dung dưỡng nên những trái tim anh hùng, những ý chí kiên cường không ngại gian khổ, không sợ hy sinh. Những dòng sông ấy, với dòng chảy không ngừng nghỉ, đã trở thành biểu tượng cho sự kiên trì, cho khát vọng tự do và độc lập. Khí phách toát lên trượng nghĩa đại diện cho người phương Nam không thể quên với hình ảnh của Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Thủ Khoa Huân... Những dòng sông phương Nam như những “chứng nhân” cho sự lớn lên và trưởng thành của biết bao thế hệ. Là nơi ghi dấu những bước chân đi qua, những giọt mồ hôi rơi xuống, và cả những giọt máu đã đổ vì tự do, vì hòa bình. Cũng vì lẽ đó, từ “mùa thu rồi ngày hăm ba”, lớp lớp người Nam bộ vùng lên kháng chiến, nốp với giáo mang trên vai xông pha ra trận tiền với khí thế tiến công dũng cảm, hào hùng để giữ “mạch nguồn".
Chương 3 Khát vọng: Vút bay đất mẹ Chín Rồng (3 cảnh: Cảnh 1 Kết nối muôn phương; Cảnh 2 Tinh hoa sông nước; Cảnh 3 Khát vọng: Vút bay đất mẹ Chín Rồng): Từ kinh nghiệm truyền thống hơn 300 năm qua, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay đã liên kết với nhau qua mạng lưới giao thông đường bộ - đường cao tốc; kết hợp cùng đường biển – cảng biển sẽ vươn xa thế giới. Đặc biệt, những dòng sông, con kênh và nguồn nước bao giờ cũng là huyết mạch của Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, với cánh cửa “trời” rộng mở, những cánh chim sắt từ thành phố Cần Thơ, thành phố Phú Quốc, thành phố Cà Mau... bay đến khắp vùng, vươn ra quốc tế. Như vậy, có đầy đủ niềm tin về động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ về du lịch, thương mại; thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách muôn phương.
Các đại biểu nhấn nút khai mạc Tuần lễ Du lịch - Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long.
Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị du lịch - thương mại giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh
Phát biểu Lễ khai mạc Tuần lễ Du lịch – Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho rằng: Tuần lễ Du lịch - Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ năm 2024 một trong những hoạt động trọng tâm của năm 2024; có ý nghĩa quan trọng liên kết hợp tác, có sức lan tỏa quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, du lịch đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thương mại dịch vụ của các các địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị du lịch - thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bền vững và hiệu quả.
Chuỗi sự kiện năm nay có 15 hoạt động chính về du lịch, thương mại, văn hóa văn nghệ, thể thao… diễn ra từ ngày 29/11 - 2/12. Đặc biệt, tại Lễ khai mạc, Ban tổ chức đã công bố Chương trình bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn tại Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vinh danh “Điểm đến hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024”.
Sau hơn 3 tháng bình chọn trên Báo Tuổi Trẻ và đánh giá của Hội đồng chuyên gia, đã có 50/126 điểm đến/dịch vụ được bình chọn và công nhận danh hiệu “Điểm đến hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024”. Các điểm đến/ dịch vụ được bình chọn theo 3 tiêu chí chính: Sức hấp dẫn của tài nguyên - chất lượng dịch vụ và quản lý - trải nghiệm dành cho du khách.
Ngoài ra tại Tuần lễ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ như: Chương trình giao lưu Đờn ca tài tử Nam bộ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long; Diễu hành du thuyền, tàu thuyền trên sông; Diễu hành mô tô tại thành phố Cần Thơ; Đua ghe Ngo thành phố Cần Thơ; Giải vô địch đua vỏ Composite thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024; Ngày hội Du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” lần thứ VIII năm 2024…
Huỳnh Biển