Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Quốc Việt)
Năm học cuối cấp đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Ngày 26.12.2018, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT 2018), bao gồm Chương trình tổng thể và Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục.
Ngày 03.8.2022 Bộ giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT, sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương trình tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (đưa môn Lịch sử từ môn học lựa chọn thành môn học bắt buộc).
Theo quy định CTGDPT 2018 hình thành và phát triển cho học sinh: 03 năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; 07 năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.
Năm học 2024-2025, CTGDPT 2018 sẽ hoàn thành toàn bộ chu kì thực hiện dạy học từ lớp 1 đến lớp 12. Đối với cấp trung học phổ thông (THPT) năm học này là năm học cuối cấp đầu tiên thực hiện CTGDPT 2018.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Việc kiểm tra, đánh giá đối với cấp trung học cơ sở (THCS) và THPT đã được qui định theo thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, ngày 20.7.2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, quy định về kiểm tra, đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT trong đó quy định rõ 2 hình thức đánh giá là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Quy định này đã được thực hiện 4 năm với cấp THCS và 3 năm với cấp THPT.
Ngày 17.12.2024, Bộ GDĐT ban hành công văn số 7991/BGD-GDTrH về việc việc thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS, THPT. Công văn có nội dung yêu cầu các sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục cấp THPT xây dựng ma trận, đặc tả, đề kiểm tra và hướng dẫn chấm đề kiểm tra định kì với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số.
Việc xây dựng ma trận, đặc tả, đề kiểm tra và hướng dẫn chấm đề kiểm tra định kì phải đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn kĩ thuật, trong đó có đưa phụ lục đính kèm để tham khảo và thực hiện từ học kì 2 năm học 2024-2025.
Việc thực hiện thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về kiểm tra, đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT đã được giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện trong các năm qua, tuy nhiên cũng vẫn còn một số khó khăn vướng mắc ban đầu trong việc xây dựng ma trận, đặc tả, đề kiểm tra định kì.
Sau thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm và với việc chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT theo CTGDPT 2018 đang được triển khai đến các giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông đã dần định hướng được cách xây dựng xây dựng ma trận, đặc tả, đề kiểm tra định kì các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số theo cách đánh giá các năng lực thành phần của môn học thông qua các biểu hiện của các năng lực thành phần và các yêu cầu cần đạt của chương trình môn học.
Giáo viên bối rối khi thực hiện hướng dẫn của Bộ GD-ĐT?
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của công văn số 7991/BGD-GDTrH mà cụ thể là phụ lục của công văn (cho dù chỉ là tham khảo) để xây dựng xây dựng ma trận, đặc tả, đề kiểm tra định kì đối với cấp THPT cũng làm bối rối cho các giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông khi hướng dẫn này lại tiếp cận các nội dung như là chủ đề/chương để xây dựng xây dựng ma trận, đặc tả, đề kiểm tra định kì các môn học và gần như lại quy trở về việc kiểm tra, đánh giá định kì theo nội dung môn học.
Kiểm tra, đánh giá nói chung, thi nói riêng đều cần căn cứ dựa vào chương trình giáo dục. Với chương trình GDPT 2018 có mục tiêu là phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Do vậy, việc kiểm tra, đánh giá cũng phải kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh. Việc thi kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh về bản chất là mượn nội dung kiến thức để đánh giá các năng lực cần đánh giá theo qui định của chương trình môn học.
Hơn nữa, việc công văn hướng dẫn này có xây dựng phụ lục để tham khảo cũng cần phải làm rõ và tường minh cho mỗi môn học đặc thù như môn Ngữ văn thì khó có thể dùng để tham khảo xây dựng xây dựng ma trận, đặc tả, đề kiểm tra định kì được.
Ngoài ra, các môn ngoại ngữ cũng chỉ vận dụng chứ không thể tham khảo vì các môn ngoại ngữ không học theo chủ đề/ chương và đặc biệt là các dạng thức câu hỏi cần đa dạng không chỉ chú trọng một số dạng thức câu hỏi phục vụ cho kì thi tốt nghiệp THPT vì điều đó làm mất đi các dạng thức phong phú để kiểm tra, đánh giá trong dạy học.
Việc ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông và các giáo viên tham gia giảng dạy là hết sức cần thiết để thường xuyên giảm tải các khó khăn trong tổ chức dạy học.
Tuy nhiên, khi ban hành văn bản cần thống nhất theo đúng quy định của CTGDPT 2018 để dạy học, kiểm tra, đánh giá không bị “vênh nhau” giữa tiếp cận năng lực và tiếp cận nội dung, đồng thời thống nhất với các tập huấn của Bộ GDĐT đã triển khai trong công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2025 theo đúng chương trình là đánh giá năng lực người học.
Do vậy, Bộ GDĐT nên hướng dẫn thật rõ nội hàm của công văn số 7991/BGD-GDTrH ngày 17.12.2024 về kiểm tra, đánh giá theo năng lực người học và văn bản này không áp dụng cho cấp THCS để tránh sự bối rối trong tổ chức thực hiện của các địa phương cũng như các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên khi thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì từ học kì 2 năm học 2024-2025 này.
Nhật Hồng