Ảnh minh họa
Chi phí đầu vào tăng, giá nhà khó giảm
Trong báo cáo thị trường năm 2024, Bộ Xây dựng nêu rõ "căn hộ chung cư bình dân có giá dưới 25 triệu đồng/m2 biến mất khỏi thị trường".
Theo báo cáo của Bộ, trong năm 2024, nguồn cung căn hộ chung cư đã tăng cao nhưng tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp (có giá bán trên 50 triệu đồng/m2). Câu hỏi đã được nhiều chuyên gia xây dựng đặt ra là người thu nhập thấp và trong diện được mua có nhà ở xã hội để mua, người thu nhập cao không thiếu dự án cao cấp để lựa chọn, vậy thì những người thu nhập trung bình sẽ mua nhà ở đâu?
Các giải pháp để giảm sự mất cân đối cơ cấu sản phẩm, đẩy mạnh nguồn cung nhà bình dân, giảm giá chung cư thương mại để đáp ứng được nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân đã được các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp cùng bàn thảo. Theo dự báo của các chuyên gia, vấn đề kéo giá nhà xuống thấp sẽ càng nan giải hơn khi chi phí đầu vào, chi phí xây dựng, chi phí thực hiện và hoàn thiện dự án ngày càng tăng lên.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần G-Home, chia sẻ ý kiến: "Theo tính toán, ở thời điểm này, nếu xây dựng nhà ở xã hội thì giá bán phải trên 20 triệu đồng/m2, nhà ở thương mại thì phải trên 40 triệu đồng/m2 thì doanh nghiệp xây dựng mới mong có lãi, rất khó để có thể kéo giá nhà ở xuống thấp hơn được nữa, nếu thấp hơn mức này thì sẽ chẳng còn ai muốn làm, dám làm".
Cần có những giải pháp để thúc đẩy xây dựng các dự án nhà ở thương mại giá bình dân. Ảnh minh họa
Với các dự án nhà ở thương mại, các loại chi phí đầu vào bao gồm chi phí tạo lập quỹ đất, chi phí xây dựng, chi phí tài chính, chi phí quản lý dự án, chi phí quản lý doanh nghiệp. Các chi phí này cộng dồn lại rồi tạo thành giá bán đầu ra của dự án. Dự án càng kéo dài, chi phí càng đội lên cao và từ đó giá nhà lên cao theo.
Bên lề một hội thảo về bất động sản, một giám đốc doanh nghiệp xây dựng tiết lộ: "Bên cạnh các chi phí kể trên, việc triển khai 1 dự án bất động sản còn có thêm hàng loạt những chi phí không tên khác, doanh nghiệp nào cũng phải tính toán thêm những khoản dự phòng phát sinh nữa, doanh nghiệp phải cắt giảm lãi để bù lại khoản này chứ nếu tính tiếp vào giá bán thì giá lại tăng thêm một mức nữa".
Từ giữa năm 2024 tới nay, nhiều doanh nghiệp đã lao vào cuộc đua đi tìm quỹ đất sạch. Ông Trần Hiếu, Phó Tổng giám đốc DKRA Group, từng phát biểu: "Theo bảng giá đất mới cập nhật, giá đất đã tăng cao tại các địa phương đồng nghĩa với việc chi phí cho tạo lập quỹ đất tăng mạnh, điều này tạo áp lực lên doanh nghiệp, sau đó sẽ đến khách hàng, người mua nhà. Bên cạnh chi phí cho quỹ đất, các chi phí đầu vào khác của dự án xây dựng tăng lên, bởi vậy việc giảm giá bán xuống thực sự là điều vô cùng khó".
Giảm giá nhà, thúc đẩy xây nhà giá bình dân bằng cơ chế chính sách
Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã nhiều lần tổ chức các hội thảo và đưa ra những kiến nghị, giải pháp để giảm giá nhà và thực hiện xây dựng các dự án nhà ở thương mại có giá bình dân. Theo HoREA, cần phải có những cơ chế, chính sách thiết thực để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện xây dựng nhà ở thương mại giá bình dân.
Đại diện nhiều doanh nghiệp xây dựng đã nêu ý kiến rằng thời gian để có quỹ đất sạch cùng triển khai các thủ tục để thực hiện dự án kéo quá dài. Trong suốt thời gian này, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực về vốn, phải chịu chi phí lãi vay khi tạo dựng dòng vốn kéo giá nhà tăng cao. Các doanh nghiệp cho rằng khi dự án xây dựng nhà ở xã hội đã được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì cũng nên nghiên cứu để có các chính sách ưu đãi, giảm hoặc cho chậm nộp các chi phí này với dự án nhà ở thương mại giá bình dân.
Nhiều chuyên gia nêu ý kiến rằng khi doanh nghiệp cam kết thực hiện xây dựng dự án nhà ở bình dân thì cũng cần nhận được các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về các khoản vay và ưu tiên quyền được tiếp cận quỹ đất sạch. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - nêu ý kiến: "Cần phải có những cơ chế chính sách rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục pháp lý, có ưu đãi mới mong doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện dự án nhà ở bình dân".
Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Đông Thành Land, chia sẻ quan điểm: "Trong báo cáo của Bộ Xây dựng, giá bán chung cư bình dân ở mức dưới 25 triệu đồng/m2. Các báo cáo thị trường thì giá bán bình quân chung cư tại Hà Nội và cả TP Hồ Chí Minh năm 2024 đều ở mức khoảng 70 triệu đồng/m2. Dựa trên thực tế thị trường, dựa trên bảng giá đất mới, chúng ta có thể xác định lại mức giá của chung cư bình dân của năm 2025 là đã ở mức nào, có thể sẽ nhích lên hơn là dưới 30 triệu đồng/m2. Với bảng giá đất hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể đi ra xa trung tâm mới có thể xây được các dự án mới mức giá rẻ hơn, vậy thì cần nghiên cứu thêm vấn đề đồng bộ nâng cấp cơ sở hạ tầng, tính kết nối giao thông của những quỹ đất sạch tiềm năng, chỉ có như vậy thì doanh nghiệp mới xây được nhà giá rẻ ở đó và khách hàng mới lựa chọn mua".
Theo các chuyên gia, khi các dự án nhà ở xã hội đã được xúc tiến triển khai, có các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thực hiện, thì vấn đề lớn còn lại sẽ là "ai xây nhà giá bình dân, mua nhà giá bình dân ở đâu?". Đây sẽ là câu hỏi mà đông đảo người dân, khách hàng mong mỏi được thấy đáp án cụ thể trong năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo.
Quang Thái