Cần tôn tạo mộ ông Tổ chè Tân Cương

Cần tôn tạo mộ ông Tổ chè Tân Cương
7 giờ trướcBài gốc
Mộ cụ Đội Năm tại nghĩa trang xóm Bình Định 2, xã Bình Sơn (TP. Sông Công).
Mộ cụ Đội Năm hiện nằm trong khu nghĩa trang ở xóm Bình Định 2, xã Bình Sơn. Ngôi mộ lâu không được sửa chữa nên có phần cũ kỹ, cỏ dại mọc xung quanh.
Anh Vũ Văn Thư, cháu nội của cụ Đội Năm, chia sẻ: Lúc tôi còn bé được bố mẹ kể lại sau khi ông tôi phát triển cây chè thành công trên vùng đất Tân Cương đã trở về miền Bình Định (xã Bình Sơn) tiếp tục khai khẩn đất hoang để phát triển cây chè và viên tịch tại đây.
Cụ Đội Năm tên thật là Vũ Văn Hiệt, sinh năm 1883 tại xã Bạch Nam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Một số tài liệu ghi lại, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), cụ Đội Năm bị bắt đi lính và bị đưa sang Pháp làm lính thợ đúc khuôn các chi tiết máy bay.
Khi chiến tranh kết thúc, cụ hồi hương và được cấp một khoản trợ cấp cùng với đất hoang ở vùng Ỷ Na, tổng Thịnh Đán, huyện Đồng Hỷ (giờ là TP. Thái Nguyên) để lập trang trại. Tại đây, cụ đã chiêu mộ dân làng quê mình và một số tỉnh đồng bằng lên khai khẩn, trồng cấy.
Nhờ sự chỉ bảo và giúp đỡ của cụ Nghè Sổ Nguyễn Đình Tuân, khi đó là Án sát kiêm Tuần phủ Thái Nguyên, cụ Đội Năm đã dẫn đầu một nhóm người dân Ỷ Na lên huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, để học hỏi và mang giống chè trung du về trồng tại Tân Cương.
Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, cây chè phát triển và cho ra những búp chè chất lượng cao, thơm ngon đặc trưng. Cụ mở xưởng chế biến chè, cơ sở bán chè ở tỉnh Thái Nguyên và bán chè đến nhiều tỉnh khắp ba kỳ. Sản phẩm chè nức tiếng nhất lúc thời bấy giờ là chè Cánh Hạc.
Năm 1926, xã Tân Cương được thành lập, cụ được bầu làm Tiên chỉ đầu tiên của xã. Năm 1935, cụ đưa sản phẩm chè Tân Cương đi dự thi tại Đấu Xảo Hà Nội, đoạt giải Nhất và được thương gia Ấn Độ đặt mua với số lượng lớn. Sinh thời, cụ Đội Năm được người dân đất chè Tân Cương suy tôn là ông Tổ chè Tân Cương.
Anh Nguyễn Văn Khiêm, xóm Bình Định 2, xã Bình Sơn, bày tỏ: Hiện nay, mộ phần của cụ Đội Năm vẫn chưa được quan tâm tôn tạo xứng tầm; chưa được trùng tu thường xuyên, xuống cấp theo thời gian.
Chúng tôi thiết nghĩ, để ghi nhận công lao của cụ Đội Năm, cấp, ngành liên quan cần có những biện pháp cụ thể nhằm tôn tạo khu mộ cụ Đội Năm để nơi này trở thành một địa điểm có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, xứng đáng với công lao của ông Tổ chè Tân Cương.
Sông Hương
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/can-ton-tao-moong-toche-tan-cuong-5e309cb/