Liên quan đến vụ việc một du khách Đài Loan (Trung Quốc) bị xé thẻ lên tàu bay khi đang làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Phú Quốc, lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với các cán bộ tham gia làm thủ tục xuất cảnh ngày 13/5/2025 tại Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định của ngành Công an đối với các cá nhân liên quan.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp cho rằng ngành du lịch Phú Quốc cần nhanh chóng có giải pháp trấn an và khôi phục niềm tin với du khách quốc tế, đặc biệt là Đài Loan, Trung Quốc và các thị trường nói tiếng Hoa - một trong những nguồn khách hàng đầu không chỉ của Phú Quốc mà cả Việt Nam hiện nay.
"Nhiều đài truyền hình, báo chí, mạng xã hội tại Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin về vụ việc, thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. Trong đó có không ít người để lại bình luận tiêu cực, như chưa nên đi Việt Nam, hoặc thay vì Việt Nam còn nhiều nước khác để du lịch... Khi Việt Nam đang ra sức thu hút khách quốc tế, các sân bay cần xây dựng văn hóa ứng xử chuẩn mực, đồng bộ; kể cả Phú Quốc hay sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất... phải giữ hình ảnh thân thiện, văn minh, chuyên nghiệp với khách du lịch", đại diện một công ty lữ hành chuyên đón khách từ thị trường tiếng Hoa cho biết.
Ảnh minh họa.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, ông Johnny Huang - Chủ tịch ETTOURS Travel Service Co., Ltd. (trụ sở tại Đài Loan, Trung Quốc) cho biết: "Sự cố đã lan truyền rộng rãi, gây ra sự chú ý và chỉ trích trên các nền tảng mạng xã hội. Nhận thức của công chúng về hình ảnh du lịch Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng... Một số cuộc thảo luận trực tuyến thậm chí còn kêu gọi tẩy chay du lịch đến Việt Nam, đó là thách thức đáng kể đối với uy tín của du lịch Việt Nam.
Điều này còn gây ra tâm lý lo lắng về chuyến du lịch Việt Nam, nhất là những du khách chọn đi tự túc. Xuất hiện những lo ngại Việt Nam là một điểm đến tiềm ẩn nguy cơ, lo ngại về sự thân thiện của nhân viên thực thi pháp luật và an toàn chung của môi trường du lịch. Một số người lo lắng rằng trong trường hợp xảy ra tranh chấp, họ có thể không nhận được sự đối xử công bằng hoặc hỗ trợ cần thiết".
Theo ông Johnny Huang, mặc dù chưa ghi nhận yêu cầu hủy chuyến du lịch Việt Nam từ khách hàng, tuy nhiên các công ty dự báo sự cố này có thể dẫn đến những lo ngại về sự an toàn và lòng hiếu khách khi đến Việt Nam. "Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi sẽ tăng cường giao tiếp với khách hàng và nhấn mạnh rằng đây là sự cố riêng lẻ, không đại diện cho môi trường du lịch nói chung tại Việt Nam. Dù vậy, cho đến nay, các đoàn du lịch của chúng tôi chưa bao giờ gặp phải sự cố tương tự ở các quốc gia khác".
"Chúng tôi chân thành hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ giải quyết vụ việc này một cách nghiêm túc, tiến hành điều tra đúng đắn và thể hiện sự tôn trọng và hiếu khách đối với du khách quốc tế. Việc xây dựng lại niềm tin của du khách Đài Loan vào Việt Nam như một điểm đến thân thiện và an toàn sẽ đòi hỏi sự giao tiếp minh bạch và hành động cụ thể", ông Johnny Huang nói.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trước hết các cảng hàng không cần rà soát lại toàn bộ quy trình tiếp xúc với hành khách – từ khâu kiểm tra an ninh, xuất nhập cảnh đến hỗ trợ mặt đất – để bảo đảm rằng mọi cán bộ, nhân viên đều được huấn luyện bài bản không chỉ về nghiệp vụ mà cả về kỹ năng giao tiếp, ứng xử và xử lý tình huống.
"Những người đứng ở tuyến đầu như nhân viên an ninh, hải quan, xuất nhập cảnh nên ý thức rằng họ không chỉ đang thực thi công vụ, mà còn đang đại diện cho hình ảnh quốc gia... Một vụ việc có thể chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng hậu quả của nó có thể kéo dài trong tâm trí du khách và lan rộng trên truyền thông toàn cầu. Bởi vậy, sự chủ động của các sân bay chính là cách chúng ta gìn giữ hình ảnh, sự thân thiện, hiếu khách của đất nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Hải Nam/VOV.VN