Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
3 giờ trướcBài gốc
ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai):
Triển khai đồng bộ giải pháp để nâng chất lượng nguồn nhân lực
Trong năm 2024, chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt. Nhưng, theo báo cáo của Chính phủ, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt, phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, chip bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế số….
ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai)
Theo báo cáo của Ủy ban Xã hội, tỷ lệ có việc làm phi chính thức vẫn chiểm tỷ trọng lớn 64,6%, công việc không ổn định, quyền lợi người lao động về an sinh xã hội chưa được bảo đảm so với khu vực phi chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi là 7,92%, gấp 3,53 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động trong độ tuổi (2,26%) và nhóm thất nghiệp này tập trung chủ yếu ở nông thôn và vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, chỉ 28% lực lượng lao động qua đào tạo, được cấp bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân. Điều này tạo ra thách thức lớn trong việc tăng năng suất lao động, phát triển các ngành nghề, công việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao sau khi hội nhập quốc tế.
Các giải pháp để khắc phục hạn chế nêu trên tại báo cáo của Chính phủ chưa rõ nét, quyết liệt. Do đó, Chính phủ cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; tiếp tục phân luồng học sinh trung học phổ thông mạnh mẽ, hiệu quả, quyết liệt hơn; kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ đã ban hành quá lâu không phù hợp với sự phát triển kinh tế hiện nay, trong đó một số chính sách về đào tạo, bồi dưỡng học sinh, sinh viên.
Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn các trường có đủ năng lực để góp phần đào tạo nguồn nhân lực của vùng, liên vùng, qua đó đầu tư thật đồng bộ cả về lực lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho những cơ sở đào tạo này.
Chính phủ cũng cần đánh giá sâu hơn nữa về kết quả thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, chất lượng giáo dục đại trà, đặc biệt là chất lượng giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số và kết quả phân luồng, hướng nghiệp, phân luồng học sinh, công tác xóa mù chữ... để có đánh giá kỹ, có giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng công tác giáo dục. Và, sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện miễn giảm học phí với đối tượng giáo dục mầm non ở vùng khó khăn...
ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi):
Đầu tư công vẫn là điểm nghẽn
Công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn. Vấn đề này cần đánh giá kỹ về các nguyên nhân để có giải pháp, biện pháp khắc phục và triển khai nhanh, đồng thời tăng cường trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương để tăng tốc thực hiện trong các tháng cuối năm và thực hiện kế hoạch năm 2025.
ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi)
Đề nghị rà soát hoàn thiện thể chế, theo đó cần phân cấp, phân quyền cho phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, giao quyền chủ động cho tỉnh đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong việc triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024, như: hướng dẫn về xây dựng, áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 tính giá đất áp dụng cho công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; trình tự, thủ tục về giao đất, cho thuê đất đối với dự án có hoạt động lấn biển…
Đối với lĩnh vực y tế, tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp diễn tại một số bệnh viện công lập, nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế trong công tác đấu thầu thuốc, gây ra khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh. Do vậy, đề nghị Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu ban hành cụ thể quy trình, điều kiện trong việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế phù hợp với thực tiễn và tính đặc thù của lĩnh vực y tế. Ngoài ra, cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản hướng dẫn hoàn trả tiền cho người khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế theo chỉ định của bác sĩ, như theo quy định tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông):
Không biến quy hoạch trở thành rào cản của sự phát triển
Thời gian qua, Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác xây dựng pháp luật trên rất nhiều bình diện và đã trình Quốc hội rất nhiều các dự án luật sửa đổi cũng như các dự án luật mới để bảo đảm hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông)
Tuy nhiên, quá trình xây dựng pháp luật cũng còn tồn tại một số hạn chế như: có những văn bản trình gấp, chậm gửi tài liệu, hồ sơ dự án luật đến đại biểu Quốc hội, nên đại biểu không có thời gian nghiên cứu sâu, có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng pháp luật; việc chậm ban hành các văn bản thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội (ví dụ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, thực hiện các Nghị quyết về các chương trình mục tiêu quốc gia…) cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sớm đưa luật, nghị quyết vào thực tiễn, gây khó khăn cho quá trình thực hiện của các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Do đó, cần quyết liệt, cương quyết hơn nữa trong việc bảo đảm trình tự thủ tục ban hành văn bản pháp luật, để hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch tiếp tục được đẩy nhanh. Tính đến hết tháng 9.2024, 63/63 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch; 61/63 quy hoạch tỉnh đã phê duyệt; 31/38 quy hoạch ngành quốc gia đã phê duyệt; 31 kế hoạch thực hiện quy hoạch đã phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và tổ chức các hội nghị vùng để công bố 6 quy hoạch vùng; các địa phương đã tổ chức các hội nghị công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư trên địa bàn.
Đây là một kết quả rất tốt vì quy hoạch là nền tảng định hướng cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cho từng địa phương, từng lĩnh vực nói riêng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện vẫn là khâu còn yếu nên cần có giải pháp căn cơ cho công việc này. Đồng thời, khi lập quy hoạch cần chú ý tính phù hợp với thực tiễn, và khi triển khai thực hiện cần liên tục rà soát, nếu phát hiện có tồn tại vướng mắc, chồng lấn giữa các quy hoạch thì phải nhanh chóng tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung kịp thời để bảo đảm tính khả thi, không biến quy hoạch trở thành rào cản của sự phát triển.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương):
Đẩy mạnh thực hiện các chính sách để phát triển thanh niên
Tôi cho rằng, việc làm cho người trẻ, cho lực lượng thanh niên đang tiếp tục đặt ra những thách thức trong thời gian tới do tỷ lệ dân số vàng ở nước ta cũng chỉ còn trong thời gian ngắn. Do đó, việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển và tạo việc làm cho thanh niên là hết sức quan trọng.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương)
Cụ thể, cần phải luật hóa các chính sách về phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, phát triển tài năng trẻ; chính sách về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chính sách hỗ trợ thanh niên làm việc ở khu vực phi chính thức; chính sách thu hút, kết nối, hỗ trợ cho thanh niên đang học tập, lao động ở nước ngoài hướng về Tổ quốc tham gia phát triển đất nước. Nghiên cứu cơ chế chính sách, giao nhiệm vụ cho thanh niên, tổ chức thanh niên tham gia vào các Chương trình mục tiêu quốc gia; cụ thể hóa việc nhà nước tạo điều kiện phát huy vai trò của các tổ chức thanh niên thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; cần tổng kết hoạt động thanh niên lập nghiệp tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng tại các vùng biên giới, hải đảo… từ đó có những chính sách thỏa đáng để phát huy trong thời gian tới.
Về vấn đề quản lý nhà nước về thanh niên, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình, nhiệm vụ, đề án được giao trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án, dự án chiến lược về thanh niên đã ban hành.
Luật Thanh niên cũng đã quy định việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê về thanh niên Việt Nam xong việc triển khai thực hiện rất hạn chế, rất khó để tìm những số liệu thống kê chính thức. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống thông tin và chế độ báo cáo thống kê về thanh niên Việt Nam để có thể hoàn thành được sự việc xây dựng hệ thống cơ sở số liệu về thanh niên. Chính phủ cần quan tâm đến việc triển khai thực hiện nội dung này, trong đó, phải xác định chỉ số về phát triển thanh niên và công tác thanh niên là một trong các chỉ số thống kê quốc gia, các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp.
Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo xu hướng phát triển thanh niên trong từng giai đoạn cụ thể để làm cơ sở đánh giá việc thực hiện và hoạch định các chính sách pháp luật đối với thanh niên và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên… để các chính sách chăm lo phát triển thanh niên được triển khai thực hiện có hiệu quả và phát huy tác dụng.
Thanh Hải - Trung Thành - Hoàng Ngọc - Minh Trang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/can-trien-khai-dong-bo-nhieu-giai-phap-post394474.html