Cẩn trọng khi điều khiển phương tiện lên xuống đèo, khúc cua nguy hiểm ở Tam Đảo

Cẩn trọng khi điều khiển phương tiện lên xuống đèo, khúc cua nguy hiểm ở Tam Đảo
4 giờ trướcBài gốc
Hiện trường vụ tai nạn ở Tam Đảo. (Ảnh: TTXVN phát)
Liên tiếp trong thời gian gần đây, tuyến Quốc lộ 2B, đoạn lên Khu du lịch Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Trước tình hình trên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người tham gia giao thông trên đoạn đường đèo, độ dốc lớn, nhiều khúc nguy hiểm này.
Khu du lịch Tam Đảo có núi non hùng vĩ, huyền ảo trong cảnh mây gió, sương khói, có nhiều hoa rừng khoe sắc màu và tỏa hương thơm ngát bốn mùa. Dãy núi Tam Đảo có trên 20 đỉnh cao từ 1.000m trở lên so với mặt nước biển.
Hằng năm, nhất là khi mùa Hè về, Tam Ðảo bắt đầu vào mùa du lịch, là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu nghỉ dưỡng của mọi người.
Những năm gần đây, kinh tế-xã hội phát triển mạnh, khách đến du lịch với Tam Đảo ngày càng tăng. Riêng năm 2024, thị trấn Tam Đảo đón trên 418.300 lượt khách, trong đó khách lưu trú qua đêm trên 135.800 lượt, tăng tương ứng 14,6% và 20,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Có thể thấy, một thị trấn nhỏ, có tổng diện tích tự nhiên chỉ khoảng 214ha đã phát triển du lịch, thu hút du khách như những năm gần đây cũng là những tín hiệu lạc quan.
Tuy nhiên, đoạn lên khu du lịch, cũng như xuống đường đèo Tam Đảo tiềm ẩn những nguy hiểm và khiến không ít người ái ngại.
Tuyến đường từ chân núi, tính từ cầu chân suối đến Khu du lịch Tam Đảo, ở độ cao trên dưới 900m so với mặt nước biển, có chiều dài 13 - 14 km đường đèo, hẹp, dốc cao và nhiều đoạn cua gấp.
Để đảm bảo an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông, thời gian qua ngành chức năng tỉnh, chính quyền địa phương đã khuyến cáo mọi người cần thực hiện đúng các kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông khi đổ đèo, nhất là không rà phanh liên tục dẫn đến phanh xe bị mất tác dụng.
Để tránh các trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra, người điều khiển môtô, ôtô không được tắt máy thả trôi phương tiện mà phải nổ máy xe để sử dụng lực hãm của động cơ kết hợp với phanh khi đổ đèo, khi tốc độ xe nhanh hơn mức cần kiểm soát thì điều chỉnh về số thấp hơn để giảm tốc độ.
Người điều khiển phương tiện phải đi đúng làn đường, tắt nhạc, không xem các chương trình giải trí, hạ kính để nghe còi xe ngược chiều.
Quan sát qua gương cầu lồi và bấm còi, lái xe cũng phải thường xuyên kiểm tra hệ thống an toàn của xe trước khi đổ đèo...
Người điều khiển chủ động xem xét các yếu tố thời tiết để quyết định điều khiển phương tiện đến nơi có địa hình phức tạp, thường xuyên có mây mù bao phủ.
Nhằm tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Công an các địa phương tại Vĩnh Phúc tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ.
Ngành chức năng huy động lực lượng, phương tiện tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn và ùn tắc như chạy quá tốc độ, vi phạm về nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, làn đường, dừng đỗ xe, chở quá số người không đúng quy định.
Trước đó, từ ngày 20-26/4, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng nhiều người.
Đặc biệt trong đó là vụ tai nạn xảy ra ngày 26/4, tại Km 19, Quốc lộ 2B (đoạn qua địa phận xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo) do ôtô khách loại 29 chỗ ngồi 29F-059.95 gây ra, khiến 4 người tử vong và nhiều người bị thương./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/can-trong-khi-dieu-khien-phuong-tien-len-xuong-deo-khuc-cua-nguy-hiem-o-tam-dao-post1035575.vnp