Cẩn trọng khi tìm việc làm thêm 'hái ra tiền' dịp cuối năm

Cẩn trọng khi tìm việc làm thêm 'hái ra tiền' dịp cuối năm
3 giờ trướcBài gốc
Càng gần tết, các loại tội phạm mạng lại hoạt động “sôi nổi” hơn bao giờ hết với diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn hết sức tinh vi khiến người dân không kịp trở tay. Thời gian gần đây, khắp các trang mạng xã hội phủ sóng các bài đăng tuyển người lao động làm việc thời vụ nhắm vào độ tuổi sinh viên, mẹ bỉm sữa, lao động thất nghiệp, người có thu nhập thấp... với lời hứa hẹn “việc nhẹ lượng cao”, “không cần cọc tiền, “trả lương theo ngày”... mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày. Các bài đăng thu hút lượng tương tác lớn, nhiều người muốn đăng ký ứng tuyển để có thêm chút đồng ra đồng vào để sắm sửa tết cho gia đình. Thế nhưng, thực tế trao đổi nội dung công việc lại không như những lời mời chào.
Nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ sôi động dịp cuối năm.
Ảnh minh họa - nguồn internet.
Điển hình cho câu chuyện này, chị M. (trú tại phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) cho biết, chị đang trong giai đoạn nghỉ thai sản muốn kiếm việc làm thêm để có thêm tiền bỉm sữa cho con: “Thấy các bài viết tuyển cộng tác viên gấp lì xì, làm hộp quà tết thu hút lượng tương tác khủng, cứ nghĩ đây là doanh nghiệp tuyển dụng uy tín, công việc thì nhẹ nhàng, lương được tính theo ngày chuyển ngay vào tài khoản cũng khá ổn. Tính nhẩm ra một tuần vừa chăm con, vừa làm thêm cũng “bỏ túi” 1,5 - 2 triệu đồng; chưa kể, nếu làm nhanh vượt tiến độ còn được thưởng thêm tiền hoa hồng. Trước khi tiến hành nhận việc, tôi phải chuyển cọc cho họ 100.000 đồng (để làm tin khi họ chuyển hàng về) nghĩ bụng số tiền cũng không đáng là bao nên tôi không ngần ngại mà chuyển ngay. Sau khi chuyển cọc thành công, họ tiếp tục yêu cầu tôi phải chuyển thêm một lần nữa với lý do hàng họ chuyển cho tôi về gia công lớn hơn nhiều so với tiền tôi cọc. Thấy thế, tôi nói không làm tiếp nữa và gửi số tài khoản để họ trả lại tiền cọc thì họ đã chặn ngay các tài khoản mạng xã hội của tôi rồi lặn mất tăm” - Chị M chia sẻ.
P.A, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức vừa “mất trắng” số tiền cọc lại phải gánh thêm nợ chia sẻ: “Ban đầu, khi đăng ký ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh họ hứa hẹn rất nhiều còn bảo em công việc chỉ làm giờ hành chính, không áp lực, không cần kinh nghiệm, lương cứng và KPI có thể lên tới 8 chữ số, cam kết có thưởng tết. Như “chết đuối vớ được phao” - vì vừa nghỉ việc tại một đơn vị thu nhập thấp lại tìm được một công việc tốt, thu nhập cao hơn nên khi “nhà tuyển dụng” yêu cầu em chuyển cọc để giữ công việc và bảo đảm không bị thất thoát sản phẩm, em đã vay mượn tiền của bạn bè đặt cọc luôn và cũng như các “nạn nhân” khác sau khi chuyển khoản thành công “nhà tuyển dụng” mất hút cùng với số tiền em vừa chuyển, những tin nhắn giao dịch cũng bị xóa hết”.
Tội phạm mạng ngày càng “tung hoành” với nhiều hình thức tinh vi.
Ảnh minh họa.
Dịp cuối năm, cơ hội việc làm lớn, nhưng người lao động cần cẩn trọng khi tìm việc, tránh dính bẫy “việc nhẹ, lương cao”. Các chuyên gia chống lừa đảo khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với những lời mời chào, luôn thường trực nguyên tắc 3 không khi ứng tuyển công việc online: Không tin tưởng – Không đặt cọc – Không cung cấp thông tin cá nhân. Trong trường hợp có nhu cầu tìm việc người dân nên tìm đến những Trung tâm giới thiệu việc làm uy tín hoặc các trang web chính thống. Trước khi tham gia ứng tuyển vào đơn vị nào, người lao động phải nghiên cứu kỹ lĩnh vực hoạt động của đơn vị đó; cần đọc kỹ yêu cầu đối với vị trí tuyển dụng, hợp đồng lao động, chế độ và quyền lợi trước khi đặt bút ký. Và lưu ý là các đơn vị không yêu cầu người ứng tuyển nộp kinh phí tuyển dụng, bằng cấp giấy tờ bản gốc; doanh nghiệp chỉ yêu cầu người lao động đặt cọc tiền khi giao tài sản cố định để thực hiện trong quá trình làm việc.
Phú Lan
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/can-trong-khi-tim-viec-lam-them-hai-ra-tien-dip-cuoi-nam-34166.htm