Cẩn trọng trước diễn biến gia tăng của bệnh sởi

Cẩn trọng trước diễn biến gia tăng của bệnh sởi
10 giờ trướcBài gốc
Bệnh viện Gang thép những ngày gần đây đã điều trị cho 3 ca bệnh sởi, đều là học sinh lớp 7.
Bệnh viện Gang thép trong ngày 23 và 24-4 đã tiếp nhận 3 bệnh nhân đều 13 tuổi trong tình trạng sốt nhẹ, ho, mệt và bắt đầu có dấu hiệu phát ban. Trong đó có 2 bệnh nhân học chung một lớp, thường xuyên tiếp xúc với nhau nên được cho là lây nhau.
Bác sĩ Bùi Thị Bích, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Gang thép: Bệnh sởi lây qua đường hô hấp và thời kỳ lây bệnh thông thường là khoảng 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban. Trong thời gian trước khi phát ban, do chưa có dấu hiệu gì để nhận biết hoặc dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác như viêm họng, nên người mắc sởi vẫn sinh hoạt, ăn uống, tiếp xúc bình thường. Do đó, khả năng lây cho người khác rất cao.
Cháu Nguyễn Hoàng Gia Bảo, học sinh lớp 7, Trường THCS Tân Thành, TP. Thái Nguyên - một trong 3 bệnh nhân sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Gang thép, cho biết: Ngoài cháu và bạn Nguyên nhập viện điều trị, trong nhóm chúng cháu còn có một bạn nữa hôm 23-4 cũng phải xin nghỉ học vì mệt. Bạn ấy cũng có các biểu hiện giống cháu nhưng gia đình cho điều trị tại nhà.
Chị Hoàng Thị Hương, mẹ của cháu Bảo, thông tin thêm: Cháu chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi. Ngay sau khi biết con mình nghi mắc sởi, tôi đã nhắn lên nhóm phụ huynh của lớp để các gia đình và cô chủ nhiệm nhắc các con đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và thực hiện vệ sinh cá nhân cần thiết nhằm phòng tránh việc lây nhiễm giữa các bạn trong lớp.
Cũng là bệnh nhân sởi, đang được điều trị tại Bệnh viện A, chị Lê Thị Hảo (35 tuổi, xóm Làng Lớn, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương) ban đầu chỉ nghĩ bản thân bị viêm họng thông thường nên đã đến trạm y tế gần cơ quan để tiêm, truyền. Chị kể: Hồi nhỏ, tôi đã được bố mẹ cho tiêm phòng sởi. Có thể theo thời gian, kháng thể đã yếu nên tôi đã dương tính với sởi sau khi làm xét nghiệm. Trước khi nhập viện, tôi xuất hiện các triệu chứng như ho, đau họng, sốt nhẹ, mệt. Sau khi tiêm, truyền tại trạm y tế xã không đỡ, tôi tự đi mua thuốc về uống. Được 2-3 hôm, mặt tôi bắt đầu mẩn đỏ nên tôi vào viện khám.
Bác sĩ Trịnh Viết Trường, Phó Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện A Thái Nguyên, thông tin: Năm nay, dịch sởi có diễn biến rầm rộ, đa dạng hơn so với mọi năm. Một số biến chứng của bệnh sởi có thể gặp, là: viêm não, viêm phổi nặng, viêm tai giữa…
Cả năm 2024, Khoa không tiếp nhận bệnh nhân sởi nhưng từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận và điều trị cho 7 trường hợp. Trong số này, nhiều bệnh nhân có biến chứng đi kèm.
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe vẫn là phòng ngừa. Trong đó, tiêm vắc-xin là phương pháp hiệu quả nhất. Khi đã mắc sởi, bệnh nhân được điều trị triệu chứng, bù nước, bổ sung dinh dưỡng, vitamin A để giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Trường hợp bị biến chứng thì đồng thời phải điều trị các bệnh lý đi kèm.
Còn tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho 55 ca sởi. Trong đó có 19 ca ở Khoa Bệnh nhiệt đới, 36 ca ở Trung tâm Nhi khoa. Trong số này có 15 ca biến chứng viêm phổi, 1 ca biến chứng viêm tai giữa và 5 ca biến chứng khác.
Cũng như nhiều bệnh viện khác trên địa bàn, số ca mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thời gian qua tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024.
Bệnh nhân sởi được điều trị cách ly với các bệnh nhân khác. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên kiểm tra tình trạng sức khỏe cho người mắc sởi.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi tại nhiều tỉnh, thành những tháng đầu năm, trong tháng 3 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, Thái Nguyên đã tổ chức chiến dịch tiêm phòng vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 10 tuổi, với hơn 10 nghìn liều được tiêm.
Còn trong đầu tháng 4, ngành Y tế tiếp tục thực hiện việc rà soát nhu cầu tiêm vắc-xin cho cả những người trên 10 tuổi. Theo đó, đã có gần 52,5 nghìn người đăng ký tiêm. Trong đó, trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi là hơn 1.100 trẻ; từ 11-15 tuổi xấp xỉ 18,7 nghìn trẻ, trên 15 tuổi là hơn 32,6 nghìn người.
Theo kế hoạch, ngay sau đượt cấp vắc-xin, tỉnh sẽ triển khai đến các địa phương để thực hiện tiêm phòng cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Mặc dù số lượng người mắc sởi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ đầu năm đến nay chưa ở mức đáng báo động như nhiều tỉnh, thành khác, nhưng hiện có dấu hiệu gia tăng. Do đó, mọi người cần hết sức đề phòng, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài tới 5 ngày sắp tới.
Nhiều người sẽ di chuyển, du lịch và tham gia các hoạt động tập trung đông người, điều này tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sởi.
Để phòng tránh, mọi người cần đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên; tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; vệ sinh sạch sẽ môi trường sống… Trong trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân sởi, cần tiêm vắc-xin ngay trong trong 72 giờ sau khi tiếp xúc nhằm hạn chế nguy cơ biến chứng nặng.
Hạ Liên
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/y-te/202504/can-trong-truoc-dien-bien-gia-tang-cua-benh-soi-69b0df7/