Cẩn trọng với bệnh thủy đậu gây biến chứng

Cẩn trọng với bệnh thủy đậu gây biến chứng
7 giờ trướcBài gốc
Ngoài khả năng lây lan cao ra thì biến chứng của bệnh thủy đậu vô cùng nguy hiểm nếu như không biết cách chăm sóc và điều trị đúng cách.
Bé sơ sinh 15 ngày tuổi nguy kịch vì thủy đậu biến chứng
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa cứu sống bé trai 15 ngày tuổi mắc thủy đậu bẩm sinh biến chứng suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng và tràn khí màng phổi.
Bé là con sản phụ N.T.H (Nam Đàn). Lúc sinh ra, bé khỏe mạnh nhưng khi được một tuần tuổi, mẹ xuất hiện các dấu hiệu thủy đậu, đúng thời điểm trẻ chưa kịp nhận đủ kháng thể từ mẹ. Khi được 15 ngày tuổi, bé sốt cao, bú kém, khó thở, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Bé được chẩn đoán thủy đậu bẩm sinh, phải thở máy, đặt ống nội khí quản, điều trị kháng sinh, kháng virus, Globulin miễn dịch và dẫn lưu khí màng phổi. Sau 18 ngày điều trị tích cực, bé được cứu sống và xuất viện an toàn.
Thủy đậu ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh thủy đậu ở trẻ thường không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, việc chủ quan trong chăm sóc và điều trị thủy đậu có thể khiến trẻ gặp các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, viêm não,… Vì vậy, bố mẹ cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa thủy đậu cho trẻ. Khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ cần theo dõi và điều trị bệnh sớm.
Thủy đậu là căn bệnh khá phổ biến và có khả năng lây lan khá cao.
Biến chứng của bệnh thủy đậu
Thủy đậu là căn bệnh không nên xem thường bởi tính chất lây lan nhanh có thể dễ dàng tạo thành ổ dịch. Đặc biệt, nếu không có phương pháp chữa trị đúng cách và kịp thời, sẽ gây ra nhiều triệu chứng của bệnh thủy đậu vô cùng nguy hiểm, như sau:
Gây ra tình trạng nhiễm trùng hoặc bội nhiễm do các nốt ban lở loét do bị vỡ ra nhưng không được vệ sinh đúng cách. Dấu hiệu để nhận biết biến chứng này, đó chính là xảy ra xuất huyết ở phía bên trong nốt ban.
Viêm phổi thường xảy ra ở người lớn với các triệu chứng như: tức ngực, ho ra máu, khó thở và sốt cao,… Đây là biến chứng của bệnh thủy đậu rất nguy hiểm và dễ gây ra tử vong.
Nhiễm trùng máu là biến chứng khá nặng của bệnh thủy đậu do sự xâm nhập của các vi khuẩn ở bề mặt da vào bên trong cơ thể. Điều này sẽ khiến người bệnh bị xuất huyết hoặc nhiễm trùng máu.
Viêm não là biến chứng thường xảy ra ở người lớn và để lại những di chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Một số biểu hiện thường gặp là: sốt cao dẫn đến co giật, hôn mê hoặc bị rối loạn tri thức,…
Những lưu ý khi mắc phải bệnh thủy đậu
Khi trẻ mắc thủy đậu cần giữ vệ sinh cho trẻ thật tốt bằng cách dạy trẻ hình thành thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sử dụng các đồ dùng cá nhân riêng.
Giữ gìn môi trường sống của trẻ luôn thoáng mát, sạch sẽ, vệ sinh nhà cửa cũng như các vật dụng trong nhà bằng dung dịch sát khuẩn chuyên dụng.
Không để trẻ tiếp xúc với nước bọt/tia nước bọt của người bệnh bởi thủy đậu là bệnh lý có tính chất lây nhiễm cao qua đường hô hấp. Do đó, bố mẹ cần lưu ý tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc gần với người bệnh, bởi nước bọt/ tia nước bọt thông qua các giọt bắn có khả năng cao khiến trẻ nhiễm virus mắc bệnh.
Ngoài ra, cần chú ý tới dinh dưỡng tốt để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ
Chú trọng thêm chế độ dinh dưỡng và vận động thể dục thể thao để đảm bảo trẻ có sức khỏe tốt, nâng cao đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh.
Đối với người lớn, trẻ lớn để bệnh nhanh lành cũng như hạn chế việc lây lan thì người mắc cần lưu ý những điều sau:
Hạn chế ra gió và bật quạt quá mạnh.
Không nên ăn các loại đồ ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ.
Uống nhiều nước.
Nên vệ sinh hàng ngày bằng nước ấm. Tuy nhiên, cần phải thật nhẹ tay để tránh tình trạng nốt ban bị vỡ ra. Tuyệt đối không được cào hoặc gãi bằng móng ở những nốt ban bị ngứa. Cần phải sử dụng đồ dùng cá nhân riêng để tránh gây bệnh cho người khác.
Nếu bị thủy đậu nhưng sốt cao kéo dài, có dấu hiệu li bì, co giật, khó thở… đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
BS. Nguyễn Văn Tùng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/can-trong-voi-benh-thuy-dau-gay-bien-chung-169250701114052709.htm