Nhóm đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận những người từng bị lừa đảo làm việc với cơ quan điều tra
Tháng 8/2024, Công an TP Gia Nghĩa (cũ) đã khởi tố 8 đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân.
Nhóm này lập tài khoản Facebook, theo dõi các buổi livestream của những trang lừa đảo để tìm kiếm “con mồi”, rồi giả danh người từng bị lừa và đã “lấy lại được tiền” nhờ dịch vụ hỗ trợ. Khi nạn nhân tin tưởng và làm theo hướng dẫn, các đối tượng nhanh chóng chiếm đoạt tiền rồi xóa tài khoản, cắt liên lạc.
Chỉ trong vòng 5 tháng (từ 3/2024 đến 25/7/2024), nhóm đối tượng này đã lừa 135 người, chiếm đoạt tổng cộng trên 721 triệu đồng. Không ít nạn nhân đã mất tiền hai lần vì quá tin vào lời ngon ngọt từ kẻ lừa đảo.
Không chỉ đánh vào người già, người ít tiếp cận công nghệ, tội phạm công nghệ cao ngày càng nhắm đến cả cán bộ, công chức, người kinh doanh, những người tưởng như có đủ hiểu biết để phòng tránh.
Thủ đoạn thường gặp là giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, gọi điện thông báo người nghe đang liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy… Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để “phục vụ điều tra” hoặc “tạm giữ” nhằm tạo áp lực và chiếm đoạt tài sản.
Thống kê từ Công an tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trong giai đoạn 2016-2025, tính riêng khu vực phía Tây tỉnh lực lượng chức năng đã điều tra, xử lý 25 vụ, 43 đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo với tổng thiệt hại hơn 44 tỷ đồng.
Ngoài hình thức giả danh người thân, tội phạm còn sử dụng mạng xã hội để kêu gọi từ thiện giả để chiếm đoạt tài sản. Đơn cử, đối tượng Hoàng Công Trường lên mạng Internet tìm kiếm thông tin và tải các hình ảnh rồi đăng lên mạng xã hội Facebook kèm theo bài viết có nội dung phản ánh người thân của mình như vợ, con, bố, mẹ, anh, chị… với những câu chuyện bịa đặt về hoàn cảnh hết sức đáng thương để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi.
Với thủ đoạn nêu trên, từ đầu năm 2021 đến ngày 13/6/2023, đã có 5.887 người ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước chuyển cho Trường hơn 5,6 tỷ đồng thông qua nhiều tài khoản ngân hàng ủng hộ từ thiện, tiền hỗ trợ mai táng và bị Trường chiếm đoạt.
Chưa dừng lại ở đó, lòng tham và sự thiếu hiểu biết là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng dụ dỗ người dân tham gia đầu tư vào các sàn tiền ảo, cổ phiếu nước ngoài, app đánh giá sản phẩm hoặc trò chơi điện tử có thưởng. Chúng hứa hẹn lợi nhuận cao, rút vốn linh hoạt, nhưng khi nạn nhân nạp tiền, app “bốc hơi”, tài khoản bị khóa, tiền không cánh mà bay.
Bên cạnh lừa đảo cá nhân, loại hình tổ chức đánh bạc qua mạng cũng gia tăng. Tính riêng khu vực phía Tây tỉnh, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố 26 vụ, 113 đối tượng đánh bạc và tổ chức đánh bạc qua internet, với số tiền giao dịch lên tới hơn 792 tỷ đồng.
Đặc biệt, một chuyên án lớn được triệt phá gần đây đã bóc gỡ đường dây cá độ bóng đá quy mô “khủng”, hoạt động thông qua các website cá cược đặt máy chủ tại nước ngoài. Các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng ảo và ví điện tử để giao dịch, tránh sự truy vết. Riêng đường dây này đã giao dịch khoảng 540 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp, tại khu vực phía Tây tỉnh, Công an tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 10 đợt cao điểm tấn công tội phạm công nghệ cao, thu giữ nhiều thiết bị điện tử, thẻ ATM giả, máy tính chứa dữ liệu lừa đảo, đồng thời mở rộng điều tra các đường dây liên tỉnh.
Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo, người dùng mạng xã hội tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tài khoản ngân hàng, số CCCD cho người lạ; không tham gia các app kiếm tiền không rõ nguồn gốc; kiểm chứng kỹ các chiến dịch từ thiện; không nghe theo các cuộc gọi giả danh công an, tòa án yêu cầu chuyển tiền.
Đức Hùng