Cần ứng xử đúng mực với lịch sử

Cần ứng xử đúng mực với lịch sử
13 giờ trướcBài gốc
Bảo tàng Lịch sử Quân sự thu hút hàng nghìn người tham quan mỗi ngày. Ảnh: Ngọc Lâm
Bảo tàng Lịch sử Quân sự hiện đang lưu giữ hơn 150 nghìn hiện vật, tái hiện công cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam, từ buổi đầu dựng nước đến thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong đó, có 4 bảo vật quốc gia là 2 máy bay MiG-21 số hiệu 4324 và số hiệu 5121, xe tăng T54B số hiệu 843, bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là những hiện vật gắn liền với những mốc son, dấu ấn và sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nhiều hiện vật có niên đại vài chục năm, nhưng cũng có những hiện vật niên đại hàng trăm, hàng nghìn năm.
Chính vì lưu giữ nhiều hiện vật, chứa đựng thông tin lịch sử quý giá nên khi bảo tàng mở cửa đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Có ngày cao điểm, bảo tàng thu hút hơn 40 nghìn lượt khách tham quan. Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy, người dân và nhất là các bạn trẻ vẫn luôn dành sự quân tâm, yêu thích và tìm hiểu về lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Qua đó, làm cho mạch nguồn lịch sử được tiếp nối, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, quá trình tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng, không ít trẻ em và cả người lớn có hành động, việc làm xâm hại đến giá trị văn hóa lịch sử của các hiện vật. Nhiều người sử dụng điện thoại âm lượng lớn, nói chuyện, cười đùa gây ồn ào, mất trật tự trong không gian trưng bày, triển lãm. Một số người còn vô tư cầm, nắm vào hiện vật, trèo lên xe tăng, ngồi lên các khẩu pháo, vượt qua hàng rào ngăn cách để chụp hình, quay video, livestream trên mạng xã hội. Mặc dù các hiện vật đều có rào ngăn cách, có thông tin, hướng dẫn quy định, nhưng dường như không ai để ý, mà vẫn cố tình vi phạm.
Mỗi hiện vật trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự đều mang trên mình những sự kiện, chứng tích của lịch sử. Thông qua hiện vật, chúng ta hiểu rõ hơn về tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam. Có những hiện vật chứa đựng và thấm đẫm máu xương của đồng bào, chiến sĩ. Đó là những chứng tích để mỗi chúng ta hôm nay và mai sau ghi nhớ chiến công của các thế hệ cha ông. Tuy nhiên, nhiều người tham quan lại không ý thức được điều đó, lại coi bảo tàng như một địa điểm “check-in” đến tham quan chỉ để chụp hình rồi khoe với bạn bè trên mạng xã hội.
Mỗi hiện vật trưng bày tại bảo tàng đều có giá trị lịch sử gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam, cần được giữ gìn và bảo quản nguyên vẹn. Ảnh: Ngọc Lâm
Như trên đã nói, các hiện vật lịch sử là những chứng tích quan trọng, ghi lại những dấu vết của cuộc chiến tranh, những hy sinh của đồng bào, chiến sĩ. Và là minh chứng sinh động cho những chiến công oanh liệt, hào hùng của cha ông ta trong quá trình đấu tranh chống các thế lực ngoại bang xâm lược. Vì thế, chứng kiến tận mắt những hiện vật lịch sử này, chúng ta thêm tự hào về dân tộc, thêm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ người Việt Nam. “Sống vững chãi bốn nghìn năm lịch sử/ Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”.
Vậy nên, tham quan, trải nghiệm những hiện vật lịch sử chiến tranh, chúng ta cần có thái độ trân trọng, biết ơn và hành xử đúng mực. Những hành vi leo trèo, phá rào, sờ nắn hiện vật hay để trẻ em tự do chạy nhảy, đùa nghịch trong không gian bảo tàng không chỉ gây ảnh hưởng đến những người đến tham quan, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hư hại nghiêm trọng đến các hiện vật. Mỗi vết xước, mỗi vết bẩn trên bề mặt các hiện vật đều là một tổn thất khó có thể khắc phục. Hành vi này không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết về giá trị lịch sử của các hiện vật, mà còn bộc lộ một lỗ hổng lớn trong ý thức bảo tồn di sản.
Thiết nghĩ, đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ là để tham quan, mà sâu xa hơn là để tìm hiểu, học tập và suy ngẫm về những đau thương, mất mát nhưng cũng rất hào hùng của dân tộc Việt Nam. Để từ đó, mỗi người chúng ta biết sống, biết trân trọng giá trị của hòa bình hôm nay và biết ơn những thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương của mình, hy sinh tất cả cho hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Con trẻ yêu thích và khám phá lịch sử là điều đáng mừng, nhưng cũng cần dạy cho con trẻ biết ứng xử có văn hóa với các hiện vật lịch sử. Có thể, trẻ em chưa hiểu hết những câu chuyện, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử chiến tranh cách mạng, nhưng các em sẽ học được thái độ trân trọng và biết ơn các anh hùng, liệt sĩ, những người đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập, tư do của Tổ quốc. Có như vậy, bảo tàng sẽ là nơi giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, chứ không đơn thuần chỉ là nơi đến tham quan, giải trí đơn thuần.
Diệp Chi
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/can-ung-xu-dung-muc-voi-lich-su-post484103.html