Xăng dầu thuộc nhóm hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 7-10%. Ảnh:N.Liên
Thuế TTĐB là loại thuế thu gián tiếp, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ; các hàng hóa có tính chất gây ô nhiễm môi trường cao, có hại cho sức khỏe người tiêu dùng như: máy lạnh, xăng dầu, các loại nước ngọt và đồ uống có ga. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sau nhiều năm áp dụng, cần xác định lại những giá trị hàng hóa để áp thuế.
Bất cập trong xác định mặt hàng xa xỉ
Theo nhận định của các DN, luật gia, thuế TTĐB đang bộc lộ một số bất cập trong việc xác định mặt hàng xa xỉ để áp mức thuế suất.
Ông Chu Văn Hiển, Phó trưởng ban Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và xây dựng pháp luật, Hội Luật gia tỉnh, đề xuất không đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng dầu, máy điều hòa nhiệt độ. Bởi vì, xăng dầu là mặt hàng quan trọng và thiết yếu trong nền kinh tế của mọi quốc gia. Đây là hàng hóa chi phối đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, trực tiếp tác động đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, cũng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Hơn nữa, mặt hàng xăng dầu đang phải chịu thuế bảo vệ môi trường nên không cần thiết phải áp thuế TTĐB đối với hàng xăng dầu.
Theo Dự thảo Luật Thuế TTĐB, biểu thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá sẽ áp dụng theo 2 hình thức, từ 75%/gói hoặc theo lộ trình từ 2-10 ngàn đồng/sản phẩm thuốc lá từ năm 2026-2030. Áp dụng mức thuế từ 70% đối với các loại bia, rượu. Áp dụng 10% thuế TTĐB đối với máy điều hòa nhiệt độ…
Mục đích của đánh thuế TTĐB là đánh vào các loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ hoặc gây ô nhiễm môi trường, có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Do đó, việc đánh thuế nhằm điều tiết việc sản xuất, tiêu dùng theo hướng hạn chế, góp phần điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng và điều tiết cộng đồng. Hiện nay, mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ có công suất từ 90 ngàn BTU trở xuống được xem như hàng phổ thông, các cơ quan, tổ chức, DN cũng như toàn thể người dân đều có nhu cầu sử dụng. Vì thế, máy điều hòa nhiệt độ không nên đưa vào danh mục hàng hóa TTĐB trong thời gian tới.
Bám sát thực tiễn để xây dựng sắc thuế
Thuế TTĐB được xem như công cụ để bảo vệ sức khỏe người dân, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường… Do đó, để thuế TTĐB bám sát thực tế đời sống, các ý kiến đóng góp cần phải có sự nghiên cứu, đúng đối tượng.
Đóng góp xây dựng Dự án Luật Thuế TTĐB, đại diện Chi cục Hải quan khu vực XVIII cho rằng, trong quy định về đối tượng chịu thuế, dự thảo có nội dung về hàng hóa quy định là sản phẩm hoàn chỉnh, không bao gồm linh kiện để lắp ráp các hàng hóa này. Ngoài sản phẩm hoàn chỉnh như thời gian qua, vì lý do vận chuyển, một số trường hợp phải tháo rời sản phẩm hoàn chỉnh để thuận tiện đóng gói, bảo quản. Như vậy, đối với linh kiện rời, mặc dù có rời nhưng nó vẫn được lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh thì hải quan vẫn coi đó là một sản phẩm và phải chịu thuế TTĐB như một sản phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, sản phẩm hàng hóa nhập khẩu ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời vẫn phải chịu thuế TTĐB.
Đối với hàng hóa tạm nhập khẩu tái xuất khẩu không phải nộp thuế trong thời hạn tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, hiện có tình trạng hàng hóa sau khi tạm nhập nhưng không tái xuất, ngành hải quan kiến nghị bổ sung quy định thêm nội dung đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất nhưng sau đó không sử dụng đúng như mục đích ban đầu thì phải nộp thuế ngay tại thời điểm khai báo không sử dụng, trường hợp tại thời điểm khai báo mà hàng hóa không còn thì việc xác định tính thuế căn cứ theo tờ khai để truy thuế, đồng thời tính thêm tiền chậm nộp.
Một bất cập khác được đề cập là mức áp thuế suất thuế TTĐB một số mặt hàng còn khá cao, trong khi việc kiểm soát thị trường buôn lậu chưa hiệu quả (thuốc lá, nước uống có đường, có cồn…), điều này gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh khi hàng hóa nội địa hoặc nhập khẩu chính ngạch thường có giá cao hơn hàng nhập lậu...
Tại hội nghị lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân của Đồng Nai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An cho biết, những ý kiến từ các DN, đơn vị quản lý nhà nước cũng như các đơn vị về thuế TTĐB khá sát thực tế. Các ý kiến liên quan đến một số vấn đề như: xác định đối tượng hàng hóa chịu thuế; giá tính thuế và phương pháp tính bám sát thực tiễn, phản ánh đúng bản chất.
Ông Nguyễn Xuân An khẳng định, nguồn thu thuế TTĐB là nguồn thu quan trọng trong thu ngân sách nhà nước. Việt Nam đang tính tới những mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2025 và những năm tiếp theo. Những thay đổi về các chính sách thuế sẽ tác động đến những thay đổi đối với chính sách tài khóa, đặc biệt là lĩnh vực thuế, do đó cần có sự đánh giá tổng thể. Đặc biệt, cần xác định rõ đối tượng hàng hóa xa xỉ, tránh sự chủ quan, bảo đảm thúc đẩy DN phát triển nhưng vẫn bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Ngọc Liên