'Cần xác định rõ mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực'

'Cần xác định rõ mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực'
15 giờ trướcBài gốc
90% các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất
Ông Nguyễn Phước Thọ, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ.
Thưa ông, với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh?
- Về mặt thẩm quyền, Quốc hội là cơ quan duy nhất thực hiện quyền lập pháp có nhiệm vụ hàng đầu là làm luật. Tuy nhiên, thực tiễn lập pháp thời kỳ đổi mới của nước ta đã cho thấy, Chính phủ cũng có vai trò, trách nhiệm lập pháp to lớn, chủ động tổng kết thực tiễn, đề xuất các chính sách quốc gia và xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh chứa đựng các chính sách này để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Có đến 90% các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội là do Chính phủ đề xuất và chủ trì nghiên cứu, soạn thảo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.
Bên cạnh đó, trên danh nghĩa, Quốc hội phải là cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng của các đạo luật khi ban hành, nhưng thực tế do Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội hầu như không tham gia trực tiếp và cụ thể vào quá trình Chính phủ nghiên cứu, soạn thảo cho nên Chính phủ mới là cơ quan quyết định đến phần lớn chất lượng các dự án luật. Như vậy, Chính phủ không chỉ chiếm ưu thế so với Quốc hội về sáng kiến lập pháp, mà còn chịu trách nhiệm chính về chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được ban hành.
Chính vai trò, trách nhiệm này của Chính phủ phản ánh tập trung nhất với những đặc trưng cơ bản về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trình trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh. Nói cách khác, vai trò, trách nhiệm của Chính phủ là hình mẫu cho việc xác định vai trò, trách nhiệm của các chủ thể khác trong quy trình xây dựng luật.
Một số luật được thông qua có phần chưa thực sự bảo đảm chất lượng
Thưa ông, việc đảm bảo thực hiện vai trò, trách nhiệm trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ hiện nay đang gặp phải những khó khăn, thách thức như thế nào?
- Trên thực tế, không ít luật, pháp lệnh được ban hành chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phải sửa đổi, bổ sung sau vài năm thực hiện, thậm chí có trường hợp chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi. Điều này chứng tỏ Quốc hội đã thông qua một số dự án luật có phần chưa thực sự đảm bảo chất lượng do Chính phủ chuẩn bị.
Thực trạng này có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do có sự hạn chế khả năng đánh giá chất lượng một dự án luật do Chính phủ chuẩn bị. Thứ hai, do sức ép của Chương trình làm luật hoặc do “căn bệnh” chạy theo thành tích, mà buộc phải thông qua. Đồng thời, cũng phản ánh việc chưa phân định rõ việc thực hiện quyền hành pháp và quyền lập pháp.
Qua đó, càng chứng tỏ chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngay từ đầu và trong suốt quá trình nghiên cứu, soạn thảo, xem xét là nhân tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng dự án luật, pháp lệnh.
Có thể xây dựng một khuôn khổ thể chế chung về đánh giá chính sách
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua một dự án luật. (Ảnh: quochoi.vn)
Theo ông, cần làm gì để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chính phủ trong nghiên cứu, soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh trong thời gian tới?
- Thứ nhất, cần xác định rõ mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa Quốc hội với Chính phủ trong vấn đề trình và thông qua dự án luật. Cần nhận thức đúng mối quan hệ trong việc trình, xem xét, thông qua dự án luật giữa Chính phủ với Quốc hội là mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan thực hiện quyền lập pháp.
Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản, tổng kết thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước về phân tích, đánh giá chính sách trong quản trị quốc gia. Có thể xây dựng một khuôn khổ thể chế chung về phân tích, đánh giá chính sách được ban hành và tổ chức thực hiện trong quản trị quốc gia.
Thứ ba, xác lập cơ chế thống nhất, bắt buộc phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với những vấn đề lớn về quan điểm, chủ trương, chính sách trong dự án luật, pháp lệnh, ngay từ khâu nghiên cứu, soạn thảo, nhất là đối với những dự án quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Thứ tư, thường xuyên, định kỳ tổ chức các cuộc họp chung giữa tập thể Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giữa lãnh đạo Chính phủ với lãnh đạo Quốc hội để trao đổi, phối hợp chỉ đạo cho ý kiến về những vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm. Theo hướng này, cần nghiên cứu, ban hành Quy chế phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động lập pháp hoặc trong sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tới đây.
Thứ năm, cần đổi mới cơ bản Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Cụ thể, cần đổi mới cơ bản, triệt để về thẩm quyền và phương pháp lập và thực hiện Chương trình theo hướng, Chính phủ chủ động đăng ký trình Quốc hội và có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian nhất định theo quy định để đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của Chính phủ.
Thứ sáu, trong các cơ quan của Chính phủ, cần có quy định về vai trò, trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ trong việc tham gia phối hợp với các cơ quan của Quốc hội ngay từ đầu quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, trong phạm vi thẩm quyền của mình, Chính phủ cũng cần có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục ủy quyền, phạm vi ủy quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền trình dự án luật và thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án trong quá trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Phước Thọ: “Quá trình xây dựng luật là quá trình hoạch định chính sách”
“Hiến pháp nước ta quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, tức là khẳng định Quốc hội phải là thiết chế mang quyền lực có tính chất chi phối đối với các cơ quan nhà nước khác. Theo đó, xét trên phương diện thẩm quyền, Quốc hội phải nắm giữ và thực thi những quyền hạn có ý nghĩa chi phối mang tính quyết định đối với toàn bộ vấn đề thực thi quyền lực nhà nước, tạo cơ sở tiền đề bảo đảm cho tính thống nhất của quyền lực nhà nước, để quyền lực nhà nước luôn thuộc về Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Quyền chi phối này của Quốc hội thể hiện ở việc Hiến pháp trao cho Quốc hội quyền bầu miễn nhiệm, bãi miễn các chức danh đứng đầu các cơ quan trong bộ máy nhà nước ở Trung ương như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; quyền phê chuẩn các thành viên Chính phủ; quyết định thành lập Bộ, cơ quan ngang Bộ; quyền giám sát tối cao hoạt động của toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước.
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, là cơ quan thực hiện quyền lập pháp. Xuất phát từ tính chất đại diện Nhân dân, Quốc hội được Hiến pháp trao những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng trong các lĩnh vực: lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Quốc hội là cơ quan có quyền quyết sách cao nhất của bộ máy nhà nước. Nhưng khác với Chính phủ, Quốc hội không phải là cơ quan hành động. Quá trình xây dựng luật là quá trình hoạch định chính sách. Hai quá trình này không thể tách rời. Trong khi đó, không thể coi quyền lập pháp là quá trình hoạch định chính sách hoặc là sự tiếp nối việc hoạch định chính sách của Chính phủ. Việc thực hiện quyền lập pháp cũng có trình tự, thủ tục, nhưng đây không phải là quy trình nghiên cứu, soạn thảo luật mà là quy trình xác lập ý chí của quốc gia lên dự án luật. Nói cách khác, lập pháp là sự xác lập vị trí tối cao của luật mà tính chính đáng, tính hợp pháp của nó là ý chí của Nhân dân, ý chí của quốc gia được phản ánh thông qua ý chí của Quốc hội. Quyền lập pháp của Quốc hội là biểu hiện tập trung và cao nhất ý chí của Nhân dân, của quốc gia dân tộc. Quốc hội thông qua một dự án luật là xác lập ý chí của Nhân dân, ý chí của quốc gia lên dự án đó. Luật khi đó trở thành hình thức biểu hiện của ý chí của quốc gia. Đó chính là quyền lập pháp”.
Đức Anh (thực hiện)
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/can-xac-dinh-ro-moi-quan-he-phan-cong-phoi-hop-va-kiem-soat-quyen-luc-post540510.html