Cần xin ý kiến Bộ Chính trị về áp dụng luôn cơ chế đặc thù với địa phương sáp nhập vào thành phố

Cần xin ý kiến Bộ Chính trị về áp dụng luôn cơ chế đặc thù với địa phương sáp nhập vào thành phố
2 ngày trướcBài gốc
Thành lập khu thương mại tự do Hải Phòng
Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể. Trong đó, Chính phủ đề xuất phân cấp, phân quyền cho UBND thành phố Hải Phòng trong chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
“Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động, linh hoạt, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các khu bến cảng theo quy hoạch được duyệt trong thời gian sớm nhất; sớm đưa các dự án vào vận hành khai thác; tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước”, ông Thắng lý giải.
Về chế độ cán bộ công chức, viên chức, HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Về quy hoạch, đô thị, dự thảo đề xuất thành phố được bán nhà ở chung cư thuộc tài sản công do thành phố xây dựng từ ngân sách Nhà nước hoặc theo hình thức hợp đồng BT hình thành từ sau năm 1994 đến trước ngày 1/1/2025.
"Chính sách này được đề xuất trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố Hải Phòng, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của người dân, đảm bảo an sinh, xã hội; tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước", ông Thắng bày tỏ.
“Dự thảo nghị quyết đề xuất phân cấp cho HĐND thành phố quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu thương mại tự do Hải Phòng gắn với khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tương tự như khu công nghiệp”, ông Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến nhất trí về chủ trương này. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về cơ chế định giá, thẩm quyền định giá, trách nhiệm cá nhân trong trường hợp làm thất thoát tài sản Nhà nước; bảo đảm lợi ích, ổn định đời sống người dân.
Điểm đáng lưu ý khác, dự thảo nghị quyết cũng cho phép thí điểm thành lập và tổ chức hoạt động khu thương mại tự do thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng. Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, nơi thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Phan Văn Mãi, việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do là cần thiết, thể hiện quyết tâm chính trị của Hải Phòng và Chính phủ. Tuy nhiên, ông Mãi lưu ý, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị làm rõ tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền; cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát và trách nhiệm trong triển khai của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa
Đồng tình với các đề xuất áp dụng cho Hải Phòng, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị về hai nội dung.
Thứ nhất, là việc mở rộng phạm vi áp dụng cho các tỉnh, thành phố sau sáp nhập là TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Hải Phòng. Thứ hai, là cho phép điều chỉnh nội dung phù hợp với địa giới mới và yêu cầu phát triển mới.
Cùng mối quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ có văn bản gửi xin ý kiến Bộ chính trị về việc áp dụng luôn cơ chế đặc thù của các địa phương hiện đang thực hiện sáp nhập, mở rộng diện tích.
Điều này sẽ giúp Quốc hội có cơ sở để đưa ra quyết định đồng bộ tại Kỳ họp thứ 9, khi Hải Dương sáp nhập với Hải Phòng cũng như việc sáp nhập các địa phương khác.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nghị quyết lần này cần mở rộng phạm vi phân cấp, phân quyền theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát. “Phân cấp, phân quyền cần mạnh mẽ hơn nữa”, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại phiên họp.
Tiếp thu ý kiến, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, với các chính sách ưu đãi đang áp dụng, sau sáp nhập các tỉnh, thành đây là vấn đề chung của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Hải Dương sáp nhập với Hải Phòng. Việc này sẽ được triển khai theo hướng "nhập gia tùy tục".
“Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nếu cần phải thông qua Bộ Chính trị, chúng tôi sẽ làm báo cáo xin ý kiến”, ông Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/can-xin-y-kien-bo-chinh-tri-ve-ap-dung-luon-co-che-dac-thu-voi-dia-phuong-sap-nhap-vao-thanh-pho-post1734431.tpo