Cần xử lý nghiêm hành vi bỏ cọc trúng đấu giá đất

Cần xử lý nghiêm hành vi bỏ cọc trúng đấu giá đất
2 giờ trướcBài gốc
Nhìn từ vụ việc bỏ cọc đấu giá đất tại Thanh Oai, cho đến thời điểm này, có thể kết luận đây chính là dấu hiệu của hành vi thao túng gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Việc nhiều khu đất xung quanh tăng theo với mức giá ảo đang khiến cho đất nền chuẩn bị lên cơn sốt.
Bài học từ những đợt sốt đất nền trong quá khứ vẫn còn đó. Hệ lụy là cả một nền kinh tế phải gánh chịu. Bất động sản đóng băng. Quy hoạch bị phá vỡ. Nguồn lực chôn vào bất động sản và kìm hãm sự phát triển của kinh tế xã hội.
Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn đánh giá: “Tất cả mọi người sẽ lại đổ xô đi mua bất động sản, tiền sẽ bị rút hết tại các hệ thống ngân hàng. Một hậu quả khác nữa đó là ngân hàng phải nâng lãi suất để giữ lại tiền, nếu không sẽ mất hết. Nhưng một khi đã nâng lãi suất thì thị trường bất động sản lại trở nên nguy hiểm”.
Hiện tượng thao túng giá khởi điểm để trả giá cao rồi thực hiện hành vi bỏ cọc nhằm tạo ra hiệu ứng giá ảo là chiêu trò đang dần phổ biến của giới đầu cơ. Để ngăn chặn hiện tượng này, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá tài sản là cần thiết. Cụ thể là cần tăng thêm thời hạn không cho tham gia đấu giá lần sau.
Theo ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Không cho tham gia đấu giá lần sau mà 6 tháng là quá ít, cho nên tôi đề nghị phải nâng lên 1 năm trở lên đối với những đối tượng này. Vì sao? Vì anh đã tham gia đấu giá khiến phiên đấu giá đó không thành, nên chế tài là phải 1 năm trở lên”.
Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng thêm thời hạn không cho tham gia đấu giá lần sau với những trường hợp bỏ cọc.
Những ý kiến góp ý này đã được tiếp thu và chỉnh lý hoàn thiện trong Luật Đấu giá tài sản mới được Quốc hội thông qua vào tháng 6 vừa qua. Theo luật mới, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm các quy định của luật này, tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
Tuy nhiên, phải đến 1/1/2025, luật mới này mới có hiệu lực. Do vậy, trước mắt, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng với những thông tin gây nhiễu loạn. Tránh bị tác động bởi hiệu ứng đám đông. Và khi quyết định đầu tư, cần tham khảo lịch sử biến động giá cả của khu đất thông qua các kênh uy tín.
Trước sự việc đấu giá đất tại Thanh Oai và Hoài Đức (Hà Nội) vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản nhiều lần, đặc biệt là tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường; thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.
Mỹ Lan
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/can-xu-ly-nghiem-hanh-vi-bo-coc-trung-dau-gia-dat-266937.htm