Thực trạng chó không đeo rọ mõm, thả rông nơi công cộng. (Ảnh minh họa: PV)
Hiểm họa khôn lường từ vật nuôi thả rông
Mới đây, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 33 tỉnh, thành phố. Còn trong giai đoạn 2017 - 2021, trung bình hàng năm ghi nhận khoảng hơn 70 trường hợp tử vong do bệnh dại. Tại Việt Nam, nguồn chính gây bệnh dại xuất phát từ chó, mèo.
Về nguyên nhân gây tử vong do bệnh dại ở người, theo Cục Y tế dự phòng, có nhiều nguyên nhân như người bị động vật nghi dại cắn không tiêm vaccine phòng dại và/hoặc huyết thanh kháng dại, tiêm muộn, không đủ liều, không đúng chỉ định, tự điều trị. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo còn lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo chỉ đạt khoảng 50%. Nhìn chung nguy cơ lây truyền bệnh dại từ động vật sang người vẫn ở mức cao, kéo theo khả năng tiếp tục ghi nhận các ca tử vong do bệnh dại trong thời gian tới.
Hiện nay, tình trạng người dân nuôi chó, mèo nhưng không đeo rọ mõm, để chạy rông ngoài đường, không tiêm phòng vaccine dại vẫn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này đến từ ý thức của một số cá nhân, hộ gia đình sở hữu vật nuôi, chính vì suy nghĩ chủ quan mà không để tâm đến những hiểm họa khôn lường có thể xảy ra. Ngoài tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh dại; chó, mèo còn cắn, cào, gây thương tích cho người đi đường, người trong gia đình, thậm chí gây chết người.
Như vụ việc thương tâm đã xảy ra vào cuối tháng 11/2024, một bé gái 5 tuổi tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) bị hai con chó béc giê lao vào cắn liên tiếp ở vùng cổ và bụng. Bé gái được đi cấp cứu ngay sau đó nhưng đã không qua khỏi do vết thương quá nặng. Ngay sau khi vụ việc được đăng tải, làn sóng bất bình trong cộng đồng mạng đã nổ ra, bên cạnh những bình luận bày tỏ sự đau xót là những ý kiến cho rằng cần có biện pháp mạnh tay hơn trong việc quản lý vật nuôi để tránh xảy ra những thảm kịch tương tự.
Cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm
Trên thực tế, những vụ việc liên quan tới chó cắn chết người hay mắc bệnh dại do chó, mèo cào không mới, dù đã được cảnh báo nhiều lần, song vẫn xảy ra. Mỗi khi những thông tin đau lòng được đăng tải là lại một lần gióng lên “hồi chuông” cảnh báo về những hiểm họa khôn lường từ vật nuôi không được quản lý. Tuy nhiên, những cảnh báo đó dường như bị bỏ qua khi một số người sở hữu vật nuôi còn thờ ơ, chủ quan và chưa bảo đảm các biện pháp an toàn khi nuôi.
Từ lâu, các quy định pháp luật liên quan đến hành vi thả rông vật nuôi và trách nhiệm của chủ nuôi đã được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Theo đó, người thả rông vật nuôi trong khu đô thị có thể bị phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng, còn hành vi không rọ mõm hoặc không xích giữ chó có mức phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.Trong trường hợp vật nuôi gây thương tích hoặc cắn chết người, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Có thể thấy, mặc dù pháp luật đã quy định rõ ràng về trách nhiệm dân sự và hình sự, nhưng một số ý kiến cho rằng mức xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, giáo dục, trong khi việc thực thi đôi khi còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả. Đơn cử như việc chủ nuôi không đeo rọ mõm, không xích giữ khi đưa chó ra nơi công cộng là hành vi vi phạm hành chính, tuy nhiên, việc xử phạt của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đối với vi phạm này còn tình trạng bỏ sót.
Chính vì các vi phạm dù nhỏ không được xử lý kịp thời và nghiêm minh nên một số người sở hữu vật nuôi dần hình thành thói quen chủ quan, coi thường pháp luật và thiếu trách nhiệm trong việc quản lý vật nuôi của mình. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần phải tăng cường công tác quản lý vật nuôi của cá nhân, hộ gia đình. Song hành với tuyên truyền, nâng cao ý thức, cần phải siết chặt việc thực thi chế tài xử phạt sao cho nghiêm ngặt và hiệu quả. Có như vậy chủ sở hữu vật nuôi mới nắm rõ và tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, từ đó tăng trách nhiệm trong việc quản lý vật nuôi.
Cùng với thông tin ghi nhận về cáctrường hợp tử vong do bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh dại: Tiêm vaccine phòng dạicho tất cả chó, mèo; người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắclại theo khuyến cáo của ngành thú y.Không đùa nghịch,chọc phá chó, mèo; tránh tiếp xúc vơíchó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em. Khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương ngay bằng xà phòng dưới vòi nước trong 15 phút, sát trùng bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn, không băng kín vết thương. Tiêm vaccine phòng bệnh dại hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn theo chỉ dẫn của cán bộ y tế, tuyệt đối không tự điều trị hay nhờ thầy lang chữa trị. Hạn chế tối đa việc buôn bán, giết mổ chó, mèo để giảm nguy cơ, rủi ro tiếp xúc trực tiếp với virus dại từ chó, mèo. Trường hợp có nguy cơ mắc bệnh dại,cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và xử lý kịp thời.
Linh Chi