"Temu đang cố gắng duy trì uy tín với khách hàng"?
Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu do Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd - chủ sở hữu - hiện tạm dừng hoạt động tại Việt Nam do chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục xin cấp phép theo quy định.
Trao đổi với Báo VietNamNet, chuyên gia thương mại điện tử Bùi Quang Cường - Giám đốc Công ty iViet - cho biết: Trước đây, một số nền tảng TMĐT đã tạm dừng hoạt động hoặc rút khỏi thị trường Việt Nam, đều cố gắng hoàn tất giao hàng, chuyển sang phía đối tác hoặc hoàn tiền.
Tuy nhiên, việc hoàn tiền thường diễn ra theo từng trường hợp cụ thể, không phải lúc nào cũng có chính sách hoàn trả đầy đủ kèm bồi thường như Temu đang áp dụng.
“Phần bồi thường sẽ có thể thực hiện khi Temu được hoạt động chính thức trở lại tại Việt Nam. Điều này cho thấy Temu đang cố gắng duy trì uy tín với khách hàng dù tạm dừng hoạt động. Cũng có thể hiểu là Temu đang mong muốn hoàn tất thủ tục và có thể sớm được cấp phép tại Việt Nam”, ông Cường chia sẻ quan điểm.
Theo ông Cường, những trường hợp chưa nhận đủ số tiền hoàn có thể do lỗi hệ thống hoặc quy trình xác minh giao dịch của sàn. Ảnh: Thạch Thảo
Theo quan sát của ông Cường về phản hồi từ cộng đồng, nhiều khách hàng tại Việt Nam đã nhận được tiền hoàn trả từ Temu theo chính sách mà sàn này công bố. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp phản ánh chưa nhận được đủ số tiền hoặc gặp khó khăn trong quá trình yêu cầu hoàn tiền.
“Việc này có thể xuất phát từ lỗi hệ thống hoặc quy trình xác minh giao dịch của sàn”, ông Cường bày tỏ.
Trong bối cảnh hiện tại, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chuyên gia TMĐT Bùi Quang Cường đề xuất cơ quan quản lý cần yêu cầu Temu công khai danh sách các giao dịch đã hoàn tiền và cam kết thời gian xử lý với từng trường hợp chưa nhận được tiền. Đồng thời, cần có kênh tiếp nhận khiếu nại để hỗ trợ người tiêu dùng chưa được hoàn tiền.
Hãy “xác minh 2 lớp” để tránh bị lừa đảo khi mua hàng online
Về phía người tiêu dùng, ông Cường khuyến nghị hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, trước khi để xảy ra những tình huống đáng tiếc về hàng giả, hàng nhái hay bị lừa đảo. Vì nếu có vấn đề nhờ tới cơ quan chức năng can thiệp thì cũng mất nhiều thời gian, chi phí.
Vị chuyên gia TMĐT mách nước một số mẹo để người tiêu dùng có thể mua sắm tốt hơn trên các nền tảng trực tuyến.
Một, kiểm tra mức độ tin cậy của nền tảng mình mua sắm xem đã được cơ quan chức năng cấp phép chính thức hay chưa (cần để ý kỹ tên miền, nhiều trường hợp tên miền na ná nhằm giả danh nền tảng uy tín đánh lừa người dùng).
Nên kiểm tra một số nền tảng khác nhau của nhà bán hàng trước khi thanh toán. Tránh tình trạng như vừa mới đây có khách hàng đặt phòng qua Fanpage tích xanh của 1 cơ sở tại Ninh Bình và bị lừa hơn 1 tỷ đồng vì cứ nghĩ có tích xanh nghĩa là uy tín.
Nếu cần có thể liên hệ trao đổi trước trên nền tảng hoặc yêu cầu một số thông tin bổ sung trước khi ra quyết định. Đây là một cách “xác minh 2 lớp”.
“Cách đây vài tháng, tôi có đặt 1 chiếc máy giặt sấy trên 1 nền tảng TMĐT lớn tại Việt Nam. Sau đó có người nhắn tin, gọi điện yêu cầu tôi chuyển tiền trước thì mới được giao hàng, trong khi tôi đã chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng vì tôi thấy shop này chưa nhiều lượt mua lượt bán và có ít đánh giá của khách hàng cũ.
Thông tin chuyển khoản là công ty song tôi vẫn thấy hơi lăn tăn. Tôi đã tìm trên Google thông tin liên hệ của công ty, gọi điện trực tiếp về đơn hàng thì họ bảo là họ đang bị giả mạo và một số người cũng đã bị lừa. Tôi may mắn hơn vì đã “xác minh 2 lớp” trong trường hợp này”, ông Cường chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.
Hai, khi mua sắm nên kiểm tra rõ thông tin sản phẩm, chính sách hoàn tiền, bảo hành, phương thức thanh toán trước khi đặt hàng.
Nên tham khảo đánh giá của những khách hàng đã mua trước đó và từ cộng đồng để có quyết định sáng suốt, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị cao hoặc cảm giác có yếu tố bất thường.
Bình Minh