Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25/2/2024. Ảnh: PAP/TTXVN
Trước đó, Thủ tướng Canada Trudeau cho biết đã trao đổi với ông Trump ngay sau vị Tổng thống đắc cử Mỹ công khai việc đe dọa áp thuế. Ông Trudeau nói: “Chúng tôi đã nói về mối liên hệ chặt chẽ và hiệu quả giữa các quốc gia, vốn có qua lại. Chúng tôi đã nói về một số thách thức mà chúng tôi có thể cùng nhau giải quyết”.
Ngày 26/11, nhiều quan chức Canada đã lên tiếng chỉ trích lời đe dọa áp thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ. Thủ hiến Ontario, ông Doug Ford cho biết so sánh việc nhập cư vào Mỹ giữa Canada với Mexico là "lời xúc phạm nhất từng nghe". Phản ứng trên của ông Doug Ford đưa ra trước việc ông Trump đe dọa áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Canada, Mexico như là một phần trong nỗ lực kiểm soát hoạt động nhập cư bất hợp pháp và ma túy.
Ông Doug Ford cho rằng đã phải nghe điều này từ người bạn, người đồng minh thân cận nhất. Ông ví điều này như "một thành viên trong gia đình đâm thẳng vào tim" và cho biết Canada sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ông Trump đang sử dụng vấn đề nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ để đưa ra lời đe dọa áp mức thuế quan mới. Hiện nay, số người bị bắt giữ tại biên giới phía Nam nước Mỹ lại đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Bộ trưởng Công nghiệp Canada François-Philippe Champagne cho biết: "Chúng ta không nên nhầm lẫn biên giới Mexico với biên giới Canada".
Số người bị bắt giữ tại biên giới Canada không thực sự đáng kể khi so sánh với phía Mexico. Chỉ tính riêng trong tháng 10, Lực lượng Tuần tra biên giới Mỹ đã tiến hành 56.530 vụ bắt giữ tại biên giới Mexico. Trong khi đó, trong vòng 1 năm từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, chỉ có 23.721 vụ bắt giữ tại biên giới Canada.
Thủ Hiến Quebec, ông François Legault đánh giá tình hình dọc biên giới Mexico còn tồi tệ hơn nhiều. Tuy nhiên, ông nhận định những mối lo ngại của ông Trump là chính đáng và trích dẫn thông tin về sự gia tăng số lượng người nhập cư bất hợp pháp từ Canada vào Mỹ thời gian gần đây.
Ông Legault nói: “Mức thuế 25% sẽ có nghĩa là hàng chục nghìn việc làm sẽ mất đi. Chúng ta không thể bắt đầu một cuộc chiến tranh. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để không phải chịu mức thuế này”.
Canada được đánh giá là một trong những quốc gia có thương mại phụ thuộc nhất vào Mỹ với 77% hàng xuất khẩu của Canada sang Mỹ. Gần 2,7 tỷ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ qua biên giới mỗi ngày. Khoảng 60% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ là từ Canada và 85% lượng điện nhập khẩu của Mỹ là cũng từ quốc gia này. Canada là nhà cung cấp thép, nhôm và urani nước ngoài lớn nhất cho Mỹ. Nước này cũng đang có 34 loại khoáng sản và kim loại quan trọng mà Lầu Năm Góc đang đầu tư để phục vụ mục đích an ninh quốc gia.
Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cho biết: “Sự thật là chúng tôi cần họ và họ cũng cần chúng tôi. Canada là thị trường lớn nhất của Mỹ trên thế giới, lớn hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Pháp cộng lại. Những thứ chúng tôi xuất khẩu cũng là những thứ họ thực sự cần”.
Bên cạnh đó, việc ông Trump tiếp tục đe dọa áp thuế gần đây, người Canada lại một lần nữa đặc biệt lo ngại về các loại thuế, trong đó có ngành ô tô. Ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ có tính tích hợp cao và các bộ phận được sản xuất tại Canada thường được lắp ráp cho ô tô sản xuất tại Mỹ và bán lại cho người Canada.
Ông Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Canada đã ví von: “Cố gắng và hủy bỏ bằng thuế quan cũng giống như cố gắng tách lòng đỏ khỏi lòng trắng trong món trứng ốp la. Bạn không thể làm được điều đó. Bạn không thể gây tổn hại cho ngành ô tô Canada mà không gây tổn hại ngay lập tức cho ngành ô tô Mỹ”.
Ngoài ra, thuế quan cũng sẽ làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada vào năm 2020 khi mà thỏa thuận này sẽ được các bên xem xét lại vào năm 2026.
Khi ông Trump áp dụng mức thuế cao hơn trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, các nước đã đáp trả lại một cách gần tương tự. Trong đó, Canada đã công bố áp khoản thuế hàng tỷ USD mới vào năm 2018 với Mỹ, nhằm trả đũa việc Mỹ áp thuế với các sản phẩm thép và nhôm.
Bên cạnh đó, Canada cũng tính toán việc áp thuế đối với một số mặt hàng sản phẩm có tác động đến vấn đề chính trị hơn là chỉ đơn thuần về kinh tế. Theo đó, Canada đã đánh thuế 10% đối với sữa chua từ Mỹ và hầu hết đến từ một nhà máy ở Wisconsin – quê hương của Chủ tịch Hạ viện Paul D. Trong khi, sản lượng nhập khẩu sữa chua của Canada từ Mỹ chỉ 3 triệu USD mỗi năm.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Los Angeles Times)